Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên giao dịch chiều 5/8

Vào lúc 13 giờ 49 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 39 xu Mỹ (0,6%) xuống 69,99 USD/thùng sau khi có lúc vọt lên mức cao 70,72 USD/thùng.
Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên giao dịch chiều 5/8 ảnh 1Giá dầu trên thị trường châu Á tiếp tục giảm. (Nguồn: Bloomberg)

Trong phiên giao dịch chiều 5/8, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống, khi đồng USD mạnh lên và nhiều quốc gia áp dụng chính sách hạn chế di chuyển do các ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh.

Nhật Bản dự kiến sẽ mở rộng chính sách hạn chế khẩn cấp đối với nhiều tỉnh thành hơn, trong khi Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, áp đặt chính sách hạn chế ở một số thành phố và hủy chuyến bay, động thái đe dọa nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.

Vào lúc 13 giờ 49 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 39 xu Mỹ (0,6%) xuống 69,99 USD/thùng sau khi có lúc vọt lên mức cao 70,72 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ New York giao dịch kỳ hạn giảm 31 xu Mỹ (0,5%) xuống 67,84 USD/thùng. Trong phiên trước, giá cả hai mặt hàng này đều giảm hơn 2 USD.

Các nhà phân tích từ công ty tư vấn năng lượng FGE, có trụ sở tại Anh, nhận định Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19 gây thách thức nhất kể từ sau khi đợt bùng phát đầu tiên được kiểm soát.

Theo các chuyên gia này, sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 và việc áp đặt các chính sách hạn chế sẽ có tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu nội địa trong thời gian tới.

[Giá dầu thế giới chạm mức thấp nhất kể từ ngày 20/7]

FGE dự kiến trong tháng Tám nhu cầu xăng sẽ giảm trung bình khoảng 80.000 thùng/ngày so với tháng Bảy.

Bên cạnh đó, đà tăng của đồng USD trước kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến, cũng ảnh hưởng đến giá dầu.

Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến giá dầu đắt hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng tại Trung Đông đã giúp kiềm chế đà giảm của giá dầu.

Sáng 5/8, các máy bay chiến đấu của Israel đã không kích các khu vực mà quân đội nước này cho là địa điểm phóng rocket ở miền Nam Liban, sau khi rocket từ Liban bắn vào miền Bắc Israel một ngày trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục