Giá dầu châu Á đi xuống khi thị trường chờ đợi tin về cuộc họp OPEC+

Mặc dù đã đạt được chủ trương giảm sản lượng những một thỏa thuận vẫn cần được chính thức thông qua tại cuộc họp của OPEC+ trong ngày 6/12.
Giá dầu châu Á đi xuống khi thị trường chờ đợi tin về cuộc họp OPEC+ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Giá dầu châu Á giảm trong phiên chiều 6/12, khi các nhà đầu tư đang chờ đợi những thông tin về chương trình cắt giảm sản lượng từ cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất ngoài khối diễn ra vào cùng ngày.

Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 10 xu Mỹ, tương đương 0,2%, xuống 63,29 USD/thùng vào lúc 14 giờ 30 (theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 7 xu Mỹ (0,1%) xuống 58,36 USD/thùng.

OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối bao gồm Nga (còn được được gọi chung là OPEC+) ngày 5/12 đã đồng ý giảm sản lượng sâu hơn để ngăn chặn tình trạng dư cung vào đầu năm tới, khi tăng trưởng kinh tế vẫn bị đình trệ do tác động từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

[OPEC chưa nhất trí về việc cắt giảm sản lượng hơn nữa]

Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn cần được chính thức thông qua tại cuộc họp thứ Sáu (6/12). Nếu được chấp thuận, các nước thuộc OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày với yêu cầu tuân thủ chặt chẽ hơn cùng một số điều chỉnh khác. OPEC+ đã cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,2 triệu thùng/ngày và con số này sau khi cắt giảm thêm 500.000 thùng/ngày sẽ chiếm khoảng 1,7% sản lượng dầu toàn cầu.

Song trong một thông báo ngắn gửi tới khách hàng, công ty tư vấn tài chính ING Economics lưu ý rằng câu hỏi quan trọng ở đây là liệu những thông tin cắt giảm sản lượng nêu trên này có trở thành hiện thực và giúp giảm tình trạng dư cung trong quý I/2020 hay không. Hay OPEC+ sẽ chỉ nhấn mạnh lại sự tuân thủ quá mức mà thị trường đã ghi nhận từ toàn bộ các nước tham gia.

Giới quan sát cũng lưu ý rằng bất kỳ sự tăng giá nào đến từ động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ đều có thể mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất dầu của Mỹ, những người không tham gia bất kỳ thỏa thuận hạn chế nguồn cung nào.

Các công ty năng lượng Mỹ đã phá vỡ kỷ lục sản lượng dầu ngay cả khi họ cắt giảm số lượng giàn khoan đang hoạt động, qua đó “lấp đầy khoảng trống” trong nguồn cung toàn cầu mà kế hoạch của OPEC+ tạo ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục