Giá dầu châu Á đi ngược chiều nhau trong phiên giao dịch ngày 1/11

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo giá dầu Brent sẽ giao dịch ở mức trung bình là 64,16 USD/thùng trong năm 2019 và 62,38 USD/thùng trong năm 2020.
Các bể chứa dầu tại nhà máy lọc dầu Saudi Aramco ở Dammam, cách thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, khoảng 450km về phía đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các bể chứa dầu tại nhà máy lọc dầu Saudi Aramco ở Dammam, cách thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, khoảng 450km về phía đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á đi ngược chiều nhau trong phiên giao dịch ngày 1/11, nhưng dự kiến sẽ giảm khoảng 4% trong tuần này do nguồn cung thế giới tăng và những lo ngại về nhu cầu “vàng đen” trong tương lai.

Vào lúc 14 giờ 42 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giảm 12 xu Mỹ (0,2%) xuống 59,50 USD/thùng, và dự kiến sẽ mất khoảng 4% giá trị trong tuần này.

Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng nhẹ 3 xu Mỹ lên 54,22 USD/thùng và cũng dự kiến sẽ giảm 4% trong tuần này.

Những quan ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cùng với nhu cầu dầu thô, tiếp tục đeo bám thị trường trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực để chấm dứt cuộc tranh chấp thương mại kéo dài 16 tháng qua, vốn cũng đã tác động mạnh đến thương mại của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Lachlan Shaw, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa thuộc Ngân hàng National Australia Bank, nhận định những nghi ngờ về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đã nổi lên và cùng lúc đó lượng dầu dự trữ đầy lên khá nhiều so với mức kiến trong tuần này.

Lượng dầu thô dự trữ tại các kho ở Mỹ đã tăng khoảng 5,7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 25/10, cao hơn rất nhiều so với dự báo chỉ tăng 494.000 thùng mà các chuyên gia đưa ra.

[Giá dầu trên thị trường châu Á đi lên trong phiên 31/10]

Khảo sát của Reuters cho thấy giá dầu có thể vẫn chịu sức ép trong năm nay và năm 2020.

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo giá dầu Brent sẽ giao dịch ở mức trung bình là 64,16 USD/thùng trong năm 2019 và 62,38 USD/thùng trong năm 2020.

Khảo sát trên của Reuters cũng chỉ ra rằng sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã phục hồi từ mức thấp của 8 năm trong tháng 10/2019, trong đó Saudi Arabia ghi nhận sự phục hồi nhanh nhất sau các vụ tấn công vào cơ sở dầu nước này hồi tháng Chín, “lấn át” phần nào sản lượng giảm sút tại Ecuador và việc hạn chế sản lượng tự nguyện theo thỏa thuận cắt giảm nguồn cung mà các nước trong và ngoài OPEC đã nhất trí.

Trong khi đó, số liệu chính phủ công bố ngày 31/10 cho thấy sản lượng dầu thô tại Mỹ đã tăng gần 600.000 thùng/ngày trong tháng Tám lên mức cao kỷ lục 12,4 triệu thùng, do sản lượng tại khu vực vùng Vịnh Mexico tăng thêm 30%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục