Giá dầu châu Á giảm trong phiên ngày 9/5, cùng với các thị trường chứng khoán châu Á, do số liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc và lo sợ tình trạng suy thoái trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu, trong lúc nhà đầu tư đang hướng sự chú ý đến cuộc đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về lệnh cấm vận dầu Nga, một yếu tố làm thắt chặt nguồn cung dầu trên thị trường.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 41 xu Mỹ (0,4%) xuống 111,98 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 53 xu Mỹ (0,5%) xuống 109,24 USD/thùng.
Giá hai loại dầu chủ chốt này đều đang phục hồi dần sau khi giảm hơn 1 USD/thùng lúc đầu phiên.
[Giá dầu trên thị trường thế giới tăng gần 5% trong tuần qua]
Nhà phân tích Tina Teng thuộc công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Vương quốc Anh) cho biết tâm ký tránh rủi ro do lo ngại suy thoái và các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc là những yếu tố gây sức ép lên giá dầu.
Các thị trường tài chính toàn cầu cũng đã bị ảnh hưởng bởi những quan ngại về lãi suất tăng cao và những lo ngại về suy thoái do các biện pháp phong tỏa COVID-19 nghiêm ngặt hơn tại Trung Quốc khiến xuất khẩu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại trong tháng 4/2022.
Nhập khẩu dầu của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã tăng gần 7% trong tháng 4/2022 so với một năm tước đó, mặc dù nhập khẩu trong bốn tháng đầu năm giảm 4,8%.
Nhà phân tích Tina Teng cho biết thêm việc Saudi Arabia cắt giảm giá cũng cho thấy những lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu. Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, ngày 8/5 đã hạ giá bán dầu thô cho thị trường châu Á và châu Âu trong tháng 6/2022.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với dầu Nga như một phần trong gói trừng phạt nghiêm ngặt nhất liên quan đến căng thẳng tại Ukraine, khiến giá dầu Brent và dầu WTI tăng trong tuần thứ hai liên tiếp.
Tuy nhiên, đề xuất này cần phải nhận được sự nhất trí của các nước thành viên EU trong tuần này.
Đề xuất trên được đưa ra sau khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cam kết cấm hoặc loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga hôm 8/5.
Washington cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các giám đốc điều hành của Gazprombank và các doanh nghiệp khác.
Thủ tướng Fumio Kishida này 8/5 cho biết Nhật Bản, một thành viên của G7 và là một trong năm nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga "trên nguyên tắc."
Jeffrey Halley, nhà phân tích cấp cao của công ty dịch vụ môi giới tài chính OANDA (Mỹ), cho biết dường như không thể tránh khỏi việc cả EU và Nhật Bản sẽ cạnh tranh để có thêm nguồn cung ngoài Nga trong tương lai, và điều này đang củng cố giá dầu.
Trước đó, Bulgaria cho biết nước này đang tìm kiếm một sự miễn trừ khỏi đề xuất cấm dầu Nga nếu đề xuất này được thông qua, tuy nhiên vẫn chưa rõ nước này đang tìm kiếm sự miễn trừ hoàn toàn hay chỉ trì hoãn tương tự như đề xuất hôm 6/5 của Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech./.