Vào lúc 7 giờ 51 phút (giờ Việt Nam) tại thị trường Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn được giao dịch ở mức 55,89 USD/thùng, sau khi có lúc đã tăng lên chạm mức mức 56 USD/thùng lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn cũng tăng lên 66,61 USD/thùng vào đầu ngày giao dịch 18/2, mức cao nhất kể từ đầu năm 2019 đến nay, trước khi dịu xuống còn 66,47 USD/thùng.
Giá dầu đi lên là nhờ tác động của thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu từ tháng 1/2019 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước, cùng với những biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp dụng đối với Iran và Venezuela.
OPEC và một số nước sản xuất dầu ngoài OPEC, trong đó có Nga, đã nhất trí hồi cuối năm 2018 về việc cắt giảm sản lượng dầu bớt 1,2 triệu thùng/ngày tổng cộng kể từ tháng 1/2019 để ứng phó với tình trạng dư cung và hỗ trợ giá dầu trên thế giới.
[Giá dầu châu Á đi xuống giữa bối cảnh khoan dầu ở Mỹ phục hồi]
Bên cạnh đó, giá dầu đi lên cũng do các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp dụng đối với Iran and Venezuela - hai nước xuất khẩu dầu và cũng là thành viên của OPEC.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm 2018 đã tăng hơn 2 triệu thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày.
Hiện có những dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo báo cáo hàng tuần công bố ngày 15/2 của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 15/2 đã tăng thêm 3 lên 857 giàn khoan, cao hơn con số dưới 800 trước đó một năm.