Giá dầu chạm mức cao nhất trong bối cảnh OPEC định tăng sản lượng

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng 75 xu Mỹ (1,1%) lên đóng phiên ngày 23/4 ở mức 66,3 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2018 là 66,6 USD/thùng lúc giữa phiên.
OPEC sẵn sàng nâng sản lượng nếu cần thiết. (Nguồn: Business)
OPEC sẵn sàng nâng sản lượng nếu cần thiết. (Nguồn: Business)

Giá dầu thế giới chạm mức cao nhất của 6 tháng trong phiên ngày 23/4 trong bối cảnh các nguồn tin cho hay Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẵn sàng nâng sản lượng nếu cần thiết trước khi xuất hiện bất kỳ sự thiếu hụt nào sau khi Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ lệnh trừng phạt cho các khách hàng mua dầu của Iran.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng 75 xu Mỹ (1,1%) lên đóng phiên ngày 23/4 ở mức 66,3 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2018 là 66,6 USD/thùng lúc giữa phiên.

Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 47 xu Mỹ (0,6%) lên 74,51 USD/thùng. Trước đó, giá loại dầu này đã chạm mức 74,73 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 1/11/2018.

Các nguồn tin trên cho hay sản lượng dầu tại Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đồng thời là thành viên chủ chốt trong OPEC, sẽ tăng lên trong tháng Năm, nhưng vẫn nằm trong mục tiêu sản xuất mà các nước trong và ngoài OPEC đề ra/cam kết.

[Dầu châu Á chạm mức cao sau thông báo về chấm dứt miễn trừ trừng phạt]

Bên cạnh đó, việc tăng sản lượng của Saudi Arabia không liên quan đến các lệnh trừng phạt của Iran. Tổ chức này dự kiến sẽ nhóm họp vào tháng Sáu tới để thảo luận về chính sách sản lượng.

Ngày 22/4, Mỹ đã quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ đối với 8 khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran, trong đó hầu hết là các nước châu Á.

Theo đó, các khách hàng này phải ngừng hoạt động nhập khẩu dầu thô từ Iran từ ngày 1/5, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. 

Tổng thống Trump tin rằng Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác trong OPEC có thể bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào từ Iran.

Saudi Arabia cho hay sẽ phối hợp với các nước xuất khẩu dầu thô khác bảo đảm đủ nguồn cung dầu thô và cân bằng cung-cầu trên thị trường dầu thô thế giới.

Công ty cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết, trước khi bị tái áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm 2018, Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ tư trong OPEC, với sản lượng khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô của nước này trong tháng Tư đã giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày.

Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của Iran khi nhập khẩu khoảng 585.400 thùng/ngày trong năm 2018, đã chính thức lên tiếng phàn nàn với Washington về động thái miễn trừ này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng điều đó sẽ gây ra tình trạng bất ổn tại khu vực Trung Đông và trên thị trường năng lượng thế giới.

Bên cạnh đó, Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho hay dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 6,9 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 19/4 lên 459,6 triệu thùng, cao hơn so với dự báo tăng 1,3 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra. Tuy nhiên, dự trữ dầu tại Cushing, Oklahoma đã giảm khoảng 389.000 thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục