Giá dầu Brent tăng trên thị trường châu Á phiên chiều 26/8

Giá dầu Brent giao kỳ hạn đã tăng 10 xu Mỹ (0,2%) lên 45,96 USD/thùng vào lúc 13 giờ 42 phút (theo giờ Việt Nam), ngược lại, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 5 xu Mỹ (0,1%) xuống 43,30 USD/thùng.
Nhân viên bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu Brent đã tăng trong phiên chiều 26/8 trên thị trường châu Á, khi các nhà sản xuất Mỹ đóng cửa hầu hết các khu khai thác ngoài khơi ở Vịnh Mexico nhằm tránh cơn bão Laura.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn đã tăng 10 xu Mỹ (tương đương 0,2%) lên 45,96 USD/thùng vào lúc 13 giờ 42 phút (theo giờ Việt Nam). Ngược lại, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 5 xu Mỹ (0,1%) xuống 43,30 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này trước đó đều đạt mức cao nhất của năm tháng trong phiên 25/8.

Ngành công nghiệp năng lượng Mỹ đang chuẩn bị đối phó trận bão lớn Laura. Các nhà sản xuất đã tạm ngừng hoạt động của 310 cơ sở khai thác dầu ngoài khơi và cắt giảm sản lượng khoảng 1,56 triệu thùng/ngày.

Con số trên tương đương 84% sản lượng khai thác ngoài khơi của Vịnh Mexico và rất gần mức 90% đã từng ghi nhận 15 năm trước do cơn bão Katrina gây ra.

Ông Stephen Innes, chiến lược gia thị trường toàn cầu của công ty tư vấn đầu tư AxiCorp, cho biết nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng xảy ra tình trạng khan hiếm xăng trong thời gian sắp tới.

Tương tự, nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của công ty môi giới đầu tư OANDA, cho biết tác động của cơn bão Laura sẽ khiến dầu tăng giá trong ngắn hạn.

Nhưng đà tăng có thể sẽ không kéo dài nếu cơn bão gây thiệt hại lớn đối với bờ biển Texas và Louisiana, qua đó làm tê liệt nhu cầu trong một thời gian dài.

[Lo ngại về triển vọng nhu cầu phủ bóng đen lên thị trường dầu thế giới]

Ngoài lo ngại về nguồn cung dầu tại Mỹ, những lạc quan về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc cũng giúp nâng đỡ giá “vàng đen” trong phiên này.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết của họ đối với thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1.

Trước đó, giới quan sát đã lo lắng vì Trung Quốc đã không thể đáp ứng các yêu cầu về mua hàng hóa từ Mỹ.

Nhưng với diễn biến mới nêu trên, dòng chảy thương mại giữa hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này có thể sẽ cải thiện hơn.

Song mức tăng của giá dầu đã bị giới hạn trong bối cảnh thị trường vẫn lo ngại về đại dịch COVID-19 - yếu tố vốn đã làm giảm nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.

Một số quốc gia châu Âu và châu Á đã thông báo ghi nhận xuất hiện các bệnh nhân tái nhiễm COVID-19, làm dấy lên lo ngại về khả năng miễn dịch của dân số thế giới trước bệnh dịch này trong tương lai.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu áp lực giảm từ khả năng nhu cầu xuống thấp, sau khi các số liệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn sáu năm vì những lo ngại về việc mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục