Giá dầu Brent giảm dần về mốc 108 USD mỗi thùng

Trên Sàn giao dịch Singapore, giá dầu Brent chạy dần về mốc 108 USD/thùng, ghi dấu lần sụt giá đầu tiên trong ba phiên trở lại đây.

Trên Sàn giao dịch điện tử Singapore phiên chiều 13/2, giá dầu Brent chạy dần về mốc 108 USD/thùng, ghi dấu lần sụt giá đầu tiên trong ba phiên trở lại đây, khi bao trùm thị trường là tâm lý lo ngại về sức tiêu thụ dầu của thế giới, trong bối cảnh nhiều cơ sở lọc dầu đang bước vào giai đoạn bảo dưỡng định kỳ.

Tuy nhiên, đà đi xuống của giá dầu bị kiềm chế bởi thống kê về lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 1/2014. Thêm vào đó, nhà đầu tư cũng vững tâm khi cả Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đồng loạt điều chỉnh nâng dự báo về tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2014.

Vào lúc 13 giờ 14 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng 3/2014 giảm 35 xu xuống 108,44 USD/thùng, sau khi tăng 11 xu/thùng trong phiên giao dịch trước. Giá dầu Brent thuộc hợp đồng giao tháng 4/2014 cũng giảm 38 xu xuống 107,97 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Mỹ giảm tới 68 xu xuống 99,69 USD/thùng, giữ một khoảng cách khá xa (trên 1,5 USD/thùng) so với mức đỉnh của gần bốn tháng lập trong phiên trước.

Khu vực Bắc Mỹ đối mặt với một mùa Đông khắc nghiệt cũng là nhân tố khiến nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm có triển vọng tăng. Trong tuần kết thúc vào ngày 7/2 vừa qua, nguồn cung tại kho trung tâm Oklahoma giảm 2,7 triệu thùng, sau khi giảm 1,5 triệu thùng ở tuần trước đó. Tuy nhiên, dự trữ dầu thô tính trên toàn nước Mỹ vẫn tăng 3,3 triệu thùng, mức tăng mạnh hơn tiên lượng, lên 361,35 triệu thùng.

Một nhân tố nữa đang hỗ trợ thị trường năng lượng đó là khả năng gián đoạn nguồn cung từ Libya, nơi các nhóm phiến quân và người lao động nổi loạn đã đóng cửa hệ thống đường ống dẫn dầu khí từ khu mỏ Wafa và đang dọa phong tỏa một đường ống khác từ mỏ El Sharara.

Trong một thông tin có liên quan, Nga - nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, dự kiến trong năm 2014 đạt sản lượng 525 triệu tấn, tương đương 10,54 triệu thùng/ngày, mức cao kỷ lục của thời kỳ hậu Xô Viết./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục