Giá dầu Brent chạm mốc 70 USD mỗi thùng lần đầu tiên từ cuối 2018

Giá dầu Brent Biển Bắc chạm mốc 70 USD/thùng giữa lúc những đồn đoán về nguồn cung thắt chặt trên toàn cầu đã lấn át áp lực về nhu cầu toàn cầu suy giảm và sản lượng dầu của Mỹ gia tăng.
Một trạm bán xăng dầu ở Tehran, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 4/4, giá dầu Brent Biển Bắc tăng và có thời điểm chạm mốc 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2018, giữa lúc những đồn đoán về nguồn cung thắt chặt trên toàn cầu đã lấn át áp lực về nhu cầu toàn cầu suy giảm và sản lượng dầu của Mỹ gia tăng.

Cụ thể, khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 9 xu Mỹ lên 69,40 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức đỉnh trong phiên là 70,03 USD/thùng và cũng là mức cao nhất kể từ ngày 2/11 năm ngoái. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 36 xu Mỹ và đóng phiên ở mức 62,10 USD/thùng.

Giá dầu Brent và giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ đã tăng lần lượt 30% và gần 40% trong năm nay, nhờ sự hỗ trợ từ nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất trong ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela, cũng như nhu cầu toàn cầu đang gia tăng.

Ông Michael McCarthy, chiến lược gia thị trường của công ty CMC Markets tại Sydney, cho biết giá dầu có xu hướng đi lên rõ ràng trước sự thắt chặt về nguồn cung. Bên cạnh đó, chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Caixin/Markit đã tăng lên 54,4 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 1/2018.

[Giá dầu thế giới giảm nhưng vẫn gần mức cao nhất trong 5 tháng]

Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt được tiến triển hồi tuần trước tại Bắc Kinh, và Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow mới đây cho biết hai bên đang hướng đến việc tháo gỡ những bất đồng trong các cuộc đàm phán tiếp theo.

Tuy nhiên, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ đi xuống trong phiên này đã cho thấy những lo ngại của thị trường về khả năng dư thừa nguồn cung và nhu cầu yếu. Ông John Kilduff, một đối tác của công ty Again Capital Management tại New York, cho hay ngoại trừ chỉ số PMI khả quan của Trung Quốc thì số liệu kinh tế trên toàn cầu vẫn tiếp tục “kém sắc," qua đó hạn chế đà tăng của giá dầu.

Theo số liệu vừa được công bố ngày 4/4, lượng đơn đặt hàng công nghiệp của Đức đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn hai năm vào tháng Hai, do nhu cầu ở nước ngoài giảm mạnh, cùng với những lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã có một khởi đầu yếu cho năm nay.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng đang chịu áp lực từ số liệu cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng 7,2 triệu thùng trong tuần trước, trong khi sản lượng dầu của nước này cũng tăng 100.000 thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 12,2 triệu thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục