Giá dầu - 'Biến số' đối với triển vọng kinh tế toàn cầu

Sau hai năm COVID-19 hoành hành, sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và giá cả tăng vọt, nền kinh tế toàn cầu lại tiếp tục đối mặt với một năm nhiều thách thức và khó lường khi giá dầu tăng ngày một cao.
Giá dầu - 'Biến số' đối với triển vọng kinh tế toàn cầu ảnh 1Một cơ sở lọc dầu ở Salt Lake City, Utah, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành, sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và giá cả tăng vọt, nền kinh tế toàn cầu lại tiếp tục đối mặt với một năm nhiều thách thức và khó lường khi giá dầu tăng ngày một cao, đẩy lạm phát phi mã, đồng thời làm dấy lên lo ngại về triển vọng phục hồi còn mong manh của kinh tế toàn cầu.

Nhìn lại đà tăng của giá "vàng đen"

Nhu cầu sụt giảm vào năm 2020 trong thời kỳ đại dịch bùng phát đã đẩy giá dầu giảm xuống dưới ngưỡng âm lần đầu tiên trong lịch sử. Sau thời điểm đó, giá loại hàng hóa này đã tăng trở lại và đang tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng khi kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi sau các đợt phong tỏa phòng dịch.

Mới nhất vào phiên 22/2, giá dầu Brent biển Bắc đã có lúc giao dịch ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2014 là 99,5 USD/thùng, trước khi khép phiên ở mức 96,84 USD/thùng (tăng 1,52%).

Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) cũng chạm mức cao của 7 năm là 96 USD/thùng, trước khi khép phiên ở mức 92,35 USD/thùng (tăng 1,28%).

Khi các nền kinh tế dần trở lại bình thường, nhu cầu về dầu mỏ cũng phục hồi. Nhưng vấn đề là nguồn cung vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ khi nhu cầu gia tăng. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nhưng khả năng dự phòng của khối này khá hạn chế và có lẽ các nhà sản xuất cũng thận trọng để không tăng nguồn cung quá mức trên thị trường một lần nữa.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất dầu có chu kỳ đầu tư rất dài. Có thể mất đến một thập kỷ trước khi một nhà sản xuất thu được những giọt dầu đầu tiên kể từ thời điểm xác nhận rót vốn. Một số nguồn cũng phi truyền thống có thể tăng sản xuất nhanh hơn nhiều, nhưng những nguồn này bị hạn chế về quy mô.

Hơn nữa, tất cả các nhà sản xuất đều thận trọng trong việc phân bổ vốn. Đầu tiên, họ đã rút ra bài học từ một thị trường cung vượt cầu khi giá dầu rơi xuống - 40 USD/thùng.

Thứ hai, đang xuất hiện nhiều sức ép mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp này về việc không được phát triển các khu vực khai thác mới, tạm ngưng hoặc giảm đầu tư cho hoạt động duy trì và tăng cường sản xuất, đồng thời chuyển hướng dòng vốn sang đầu tư xanh.

Một yếu tố đang thu hút sự chú ý của thế giới là căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Nga và Ukraine. Diễn biến này đang góp phần làm gia tăng những lo ngại về nguồn cung năng lượng.

Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn của thế giới, chiếm khoảng 12% nguồn cung của toàn cầu. Các chuyên gia cho biết bất kỳ sự gián đoạn nào đối với những hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga đều có thể khiến giá nhiên liệu tăng cao hơn cho người tiêu dùng.

Ông Patrick DeHaan, người đứng đầu bộ phận phân tích xăng dầu tại công ty chuyên về thông tin trạm xăng dầu Mỹ GasBuddy, cho biết nếu xảy ra hành động quân sự giữa Nga và Ukraine, giá dầu có thể tăng lên trên 100 USD/thùng trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Sự kiện trên ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới ra sao sẽ phụ thuộc vào cách Nga phản ứng với các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây.

Ông DeHaan nói rằng Chính phủ Nga có thể trả đũa bằng cách ngừng xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên, từ đó gây áp lực lên giá xăng và khí đốt tự nhiên không chỉ ở Mỹ mà còn nhiều nơi khác như châu Âu, vốn đã chứng kiến giá năng lượng tăng vọt từ cuối năm 2021.

Tác động tới các nền kinh tế

Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tỷ trọng của dầu trong GDP vào khoảng 3%. Mặc dù không phải là động lực chính thúc đẩy lạm phát - vốn thực sự chịu tác động từ các chính sách tiền tệ nới lỏng - nhưng dầu là một trong những hàng hóa quan trọng nhất trên thế giới bởi lẽ nó là thành phần có trong rất nhiều sản phẩm từ nguyên liệu, nhiên liệu cho hoạt động vận tải cho đến dược phẩm, may mặc, hóa chất ...

Vì vậy tác động của giá dầu tăng sẽ không chỉ được người tiêu dùng cảm nhận ở các trạm xăng khi mua xăng mà còn ở hầu như tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà con người sử dụng, từ đó góp phần đẩy lạm phát leo thang.

Các chỉ số lạm phát tăng cao ở nhiều nước, trong đó có cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ và các nước châu Âu, khiến các nhà lãnh đạo đau đầu với sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế.

Khi các nền kinh tế trên khắp thế giới đang phục hồi sau giai đoạn phong tỏa để kiểm soát dịch, giá cả mọi loại hàng hóa, từ thực phẩm đến quần áo tới dịch vụ cắt tóc và thuê nhà, khi nhu cầu tăng trở lại và thiếu hàng hóa do những gián đoạn nguồn cung

Lạm phát tại Anh ở mức 5,5% trong tháng 1/2022, mức cao nhất kể từ năm 1992. Tổ chức cung cấp các dịch vụ lái xe (RAC) cảnh báo giá xăng tại Anh trên đà tiến tới mức kỷ lục 150 xu Anh (2,04 USD)/lít trong tuần này, sau khi căng thẳng tại Ukraine leo thang gây thêm sức ép cho cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí mà các gia đình ở nước này đang đối mặt.

The Trussell Trust, tổ chức hỗ trợ mạng lưới ngân hàng thực phẩm, cho biết các phần thực phẩm được phát trong các tháng 4-9/2021 tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019 và lên một trong những mức cao nhất vào tháng 12/2021.

Một số nhà phân tích dự báo lạm phát tại Anh sẽ đạt đỉnh 7% vào tháng Tư. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho rằng lạm phát sẽ bắt đầu hạ sau đó, nhưng sẽ vẫn trên 5% trong năm nay.

Tại Nhật Bản đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vừa soạn thảo gói đề xuất nhằm bình ổn thị trường xăng dầu, trong đó kiến nghị chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida nâng mức trần trợ giá cho các nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu từ mức 5 yen (0,04 USD)/lít hiện nay lên 25 yen. Giá bán lẻ xăng ở nước này chạm ngưỡng 170 yen/lít lần đầu tiên sau hơn 13 năm.

Ngay cả ở Nhật Bản, nơi giá cả đã giảm gần như liên tục kể từ khi "bong bóng" bất động sản sụp đổ vào cuối những năm 1980, Ngân hàng trung ương đánh giá đợt lạm phát năm vừa qua vẫn là đợt tăng mạnh nhất. Trong số các nền kinh tế lớn hiện nay chỉ có Trung Quốc là có con số lạm phát thấp hơn so với đầu năm 2020.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang xem xét sự đan xen phức tạp giữa các yếu tố lạm phát toàn cầu và trong nước khi cơ quan này đang phải cân nhắc đối phó với tỷ lệ lạm phát 7%, mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới.

[Căng thẳng Nga-Ukraine có thể đẩy giá dầu lên 105 USD mỗi thùng]

Lạm phát đang "xóa sổ" việc tăng lương đối với hầu hết người Mỹ, cùng lúc với việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ và làm tăng chi phí các loại hàng hóa bao gồm cả lương thực và năng lượng.

Giá xăng trung bình tại Mỹ đã vượt 3,5 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) và là mức cao nhất kể từ năm 2014. Khi giá xăng tăng các gia đình có thu nhập thấp hơn hứng chịu thiệt hại hơn cả bởi họ phải chi thêm ngân sách của gia đình vào hóa đơn xăng dầu.

Trong năm 2021, giá dầu toàn cầu đã tăng hơn 55%. Giá nickel, nguyên liệu được sử dụng trong các nhà máy ôtô và hàng không, tăng 27%. Cùng với đó, cà phê đã tăng giá gần như gấp đôi. 

Những hóa đơn đó đang đánh vào người tiêu dùng ở khắp mọi nơi, không riêng gì Mỹ. Trong năm qua, giá hàng nhập khẩu vào Mỹ - đặc biệt là thực phẩm, nhiên liệu và các thiết bị công nghiệp - đã tăng hơn 10%. Đó là mức tăng lớn nhất trong một năm kể từ năm 2007.

Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tình hình một số nước châu Phi phía Nam Sahara lại khác: Chi phí nhiên liệu tăng đồng nghĩa với việc phân bón đắt hơn, dẫn đến giá lương thực cao hơn. Với việc thực phẩm chiếm 40% chi cho tiêu dùng, lạm phát trong khu vực này vào năm ngoái đã nhảy vọt từ 6% lên 9%.

Về tình hình châu Âu, bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, cho biết động lực lớn nhất của lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là giá năng lượng.

Lý do cho điều này khá rõ ràng: thời tiết bất thường, trữ lượng và dự trữ khí đốt thấp, cơ sở hạ tầng chậm bảo trì, không đủ đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào năng lượng tái tạo, tình hình địa chính trị phức tạp. Tất cả đều không thể giải quyết một cách nhanh chóng.

Bản dự thảo về giá năng lượng của Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến được công bố vào tháng tới đã cảnh báo giá khí đốt và điện trong khu vực sẽ “vẫn ở mức cao và không ổn định cho đến ít nhất năm 2023.”

Giá khí đốt bán buôn tại châu Âu hiện cao hơn khoảng 400% so với cùng kỳ một năm trước, trong khi giá điện bán buôn cũng tăng 260%. Điều này đã thúc đẩy giá bán lẻ khí đốt và giá điện lần lượt tăng 51% và 30%.

Theo dự thảo, giá năng lượng cao kéo dài liên tục sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế châu Âu và tiếp tục đẩy lạm phát lên cao vào năm 2022. Diễn biến này sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng với chi phí sản xuất cao và có khả năng sẽ làm tăng giá các mặt hàng khác, bao gồm cả thực phẩm.

Triển vọng khó đoán định

Tùy thuộc vào những diễn biến tiếp theo của tình hình, những tác động đáng kể nhất từ giá dầu leo thang đối với nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ chỉ xuất hiện rõ ràng sau một thời gian dài.

Giới chuyên gia thận trọng rằng dù giá dầu cao là một thách thức đối với các nước nhập khẩu, nhưng lại có lợi cho các nước xuất khẩu.

Giá hàng hóa cao dự kiến giúp khu vực Vùng Vịnh đạt kết quả tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022. Na Uy cũng đã ghi nhận mức thặng dư thương mại cao nhất từ trước đến nay nhờ xuất khẩu dầu khí tăng mạnh.

Nhiều nước châu Phi, ngay cả những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang hoặc biến động chính trị, vẫn được hưởng lợi từ giá năng lượng, khoáng sản, gỗ và nông sản cao.

Tại Mỹ, lạm phát cao và các vấn đề từ phía cung đã kìm hãm đà phục hồi. Trong khi tăng trưởng GDP dự kiến sẽ vẫn vững vào năm 2022 ở mức 3,7%, những yếu tố đó sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động của của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong quý 4/2021, lạm phát của Mỹ đã lên tới 7% - mức cao nhất trong 40 năm. Để đối phó với tỷ lệ lạm phát này, Fed đã trở nên quyết liệt hơn và phát tín hiệu về một đợt tăng lãi suất sắp xảy ra. Những chỉ dấu đó đã buộc một số nền kinh tế mới nổi thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.

Tại châu Âu, EC dự báo GDP của Eurozone sẽ tăng 4% trong năm 2022, thấp hơn mức 4,3% được đưa ra trong dự báo cách đây ba tháng. Trong khi đó, lạm phát được cho là sẽ tăng mạnh hơn mức dự báo 3,5% trong năm 2022.

Giá dầu - 'Biến số' đối với triển vọng kinh tế toàn cầu ảnh 2Bể chứa dầu tại nhà máy khai thác dầu ở Ichihara, tỉnh Chiba, miền đông Nhật Bản, ngày 12/11/2021. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Delta trong quý 3/2021, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã phục hồi vào cuối năm, cùng với việc nới lỏng các hạn chế. Hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đã trở lại mức GDP trước khủng hoảng vào cuối năm 2021, trừ Nhật Bản và Thái Lan.

Tuy nhiên, đà phục hồi có thể chịu thêm cũng như tạo thêm áp lực lạm phát, đặc biệt nếu thị trường lao động thắt chặt và giá năng lượng tăng cao.

Ông Maciej Kolaczkowski, người đứng đầu bộ phận Dầu khí thuộc Nền tảng Cơ sở hạ tầng, Vật liệu và Năng lượng của WEF nhận định rằng giá dầu sẽ tiếp tục biến động trong dài hạn. Hiện rất khó dự đoán mức giá hoặc thậm chí hướng thay đổi của mặt hàng này.

Chuyên gia trên cho rằng giá dầu có thể ở mức 100 USD/thùng hoặc hơn, song sẽ không lâu và chắc chắn sẽ không giữ ở mức này mãi. Vì trong trung hạn, nguồn cung sẽ bắt kịp đà tăng của nhu cầu trong khi hy vọng căng thẳng địa chính trị giảm bớt.

Về dài hạn, chuyên gia của WEF cho rằng nhu cầu sẽ ổn định và có thể bắt đầu giảm tại một thời điểm nhất định. Sau đó, sẽ rất khó để giá dầu tăng cao hơn.

Yếu tố không chắc chắn ở đây là khi nào điều đó sẽ xảy ra và  các chuyên gia bị chia rẽ rất lớn về vấn đề này. Một số người nói rằng triển vọng đó chỉ cách vài năm nữa, một số khác lại nói rằng có thể cần vài thập kỷ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục