Giá của đồng Bitcoin giảm kỷ lục do căng thẳng Nga-Ukraine

Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin đã giảm xuống dưới mức 40.000 USD/BTC vào cuối tuần trước và tiếp tục mất giá khi cuộc khủng hoảng Ukraine “nóng lên.”
Giá của đồng Bitcoin giảm kỷ lục do căng thẳng Nga-Ukraine ảnh 1Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá của đồng Bitcoin đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng qua sau khi quân đội Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine.

Việc đồng tiền kỹ thuật số giá trị nhất thế giới này lao dốc đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và ồ ạt bán tháo các tài sản rủi ro hơn.

Cụ thể, trong ngày 24/2, đồng Bitcoin giao dịch ở mức 34.324 USD/BTC, giảm 7,9% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/1 vừa qua.

Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số lớn khác đang chịu sức ép trong tuần này, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang và các nhà đầu tư tránh các tài sản rủi ro.

[Khủng hoảng Nga-Ukraine khiến thị trường tiền điện tử lao dốc]

Riêng Bitcoin đã giảm xuống dưới mức 40.000 USD/BTC vào cuối tuần trước và tiếp tục mất giá khi cuộc khủng hoảng Ukraine “nóng lên.” Các chuyên gia nhận định đà giảm giá của đồng tiền này có thể sẽ không sớm kết thúc.

Bitcoin đã mất gần một nửa giá trị kể từ khi đạt mức kỷ lục 68.990 USD/BTC vào tháng 11/2021, do những căng thẳng địa chính trị, khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và những biện pháp hạn chế của một số nền kinh tế lớn đối với các tài sản kỹ thuật số.

Trong khi đó, chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán châu Âu nói riêng cũng chung đà giảm sau những biến động ở Ukraine.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 24/2, các chỉ số chứng khoán trên thị trường London (Anh) giảm gần 3%, trong khi tại Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp) đều giảm hơn 4%.

Đến khoảng 15h15 cùng ngày (giờ Việt Nam), chỉ số chứng khoán chính ở London giảm 2,5%, Frankfurt giảm 3,7% và Paris giảm 3,1%.

Chuyên gia phân tích Ipek Ozkardeskaya của hãng SwissQuote cho rằng các thị trường “đang hoảng loạn,” trong khi giá dầu mỏ cũng đã tăng lên trên 100 USD/thùng do lo ngại tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục