Giá cổ phiếu của Bayer giảm 10% sau phán quyết về hãng Monsanto

Giá cổ phiếu của Bayer xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua, sau phán quyết của một tòa án Mỹ buộc công ty con của hãng bồi thường 289 triệu USD trong một vụ kiện gây được sự chú ý lớn.
Trụ sở tập đoàn dược phẩm và hóa chất Bayer ở Leverkusen, tây Đức ngày 8/9/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá cổ phiếu của Tập đoàn dược phẩm và hóa chất nổi tiếng Bayer (Đức) đã giảm 10% xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua, sau phán quyết của một tòa án Mỹ buộc công ty con của hãng bồi thường 289 triệu USD trong một vụ kiện gây được sự chú ý lớn.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 13/8 tại thị trường Frankfurt, giá cổ phiếu của Bayer giảm 10,4% điểm, còn 83,61 euro.

Giá cổ phiếu giảm là phản ứng của giới đầu tư liên quan đến phán quyết ngày 10/8 của tòa án bang California cho rằng Monsanto - công ty chi nhánh chuyên hóa chất nông nghiệp ở Mỹ của Bayer đã không cảnh báo với ông Dewayne Johnson (một người chăm sóc sân vườn), rằng sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup của công ty này có thể gây ung thư.

Theo tòa án này, đây là hành vi "cố tình phạm luật." Phản ứng trước phán quyết của tòa án, Bayer khẳng định sản phẩm thuốc diệt cỏ mang tên Roundup của Monsanto là "an toàn."

[Công ty mẹ của Monsanto khẳng định thuốc diệt cỏ Roundup an toàn]

Roundup là sản phẩm hàng đầu của Monsanto và chất glyphosate có trong sản phẩm được cho là chất diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Vụ việc này là vụ kiện đầu tiên cáo buộc sản phẩm của Monsanto gây ung thư ở Mỹ, song cũng báo hiệu một làn sóng khiếu kiện tương tự. Các nhà quan sát cho rằng việc Monsanto thua kiện sẽ "mở cửa" cho hàng trăm đơn kiện khác chống lại công ty này.

Tập đoàn Monsanto, trụ sở tại St. Louis, bang Missouri (Mỹ), cũng là một trong những nhà cung cấp chính chất độc da cam được Không quân Mỹ sử dụng đánh phá lực lượng Việt Nam. Ở Việt Nam, có khoảng 4,8 triệu nạn nhân của chất độc này.

Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto. Đến năm 2009, một tòa án quốc tế được thiết lập tại Paris (Pháp) để giải quyết vấn đề liên quan đến chất độc da cam và nạn nhân Việt Nam, nhưng cả Chính phủ Mỹ lẫn Monsanto đều từ chối xuất hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục