Giá cát tăng cao và nguồn cung khan hiếm, nhiều nhà thầu lo lỗ vốn

Tính đến giữa tháng Tư này, giá bán cát tăng gấp hai, thậm chí gần ba lần so với đầu tháng Hai vừa qua và sẽ dẫn các nguyên liệu khác cũng tăng. Như vậy nhiều hợp đồng đã nhìn thấy lỗ.
Hoạt động khai thác cát sai quy định. Khói bụi trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm khu dân cư. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tính đến thời điểm giữa tháng Tư này, giá bán cát đã tăng gấp hai, thậm chí gần ba lần so với đầu tháng Hai vừa qua.

Tuy nhiên, dù giá tăng cao là vậy nhưng nguồn nguyên liệu này vẫn khan hiếm.

Lý giải về điều này, một số đại lý vật liệu xây dựng cho hay trước đây, lượng cát khai thác theo giấy phép không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường và bổ sung nguồn cung đáng kể lại chính là cát khai thác trái phép. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, việc khai thác cát trái phép đã giảm nhiều, nên nguồn cung cát trên thị trường cũng giảm đi.


[Mạnh tay xử lý sai phạm, truy cứu trách nhiệm hình sự với "cát tặc" ]

Giá cát vàng đang được bán khoảng 500.000 đồng/m3, tăng 2,5 lần so với giá cũ là 200.000 đồng/m3. Tương tự, cát đen cũng tăng từ 150.000 đồng/m3 lên 350.000 đồng/m3. Ngay như cát san lấp cũng tăng giá gấp đôi, vọt từ 90.000 đồng/m3 thành 180.000 đồng/m3.

Chị Trần Thị Hiên, Giám đốc Công ty ​Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Xây dựng Phúc An lo lắng, giá cát tăng sẽ kéo theo sự gia tăng của các loại vật liệu khác.

Trong khi đó, nhiều công trình đã được ký hợp đồng trước đó với điều kiện khoán toàn bộ vật tư, vật liệu, giờ sẽ bị đội chi phí lên rất nhiều. Bởi vậy, với đà tăng này, nhiều hợp đồng đã nhìn thấy mức lỗ.

Theo ông Hoàng Văn Đăng​, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Vạn Xuân, giá cát tăng như hiện nay sẽ làm chi phí sản phẩm xây dựng tăng khoảng 20%.

Với các dự án bất động sản đã bán, hợp đồng đã chốt giá bán với khách hàng, không thể điều chỉnh được. Chủ đầu tư phải chấp nhận tình huống này bởi cũng không thể vì thế mà bớt xén khoản nào để giảm giá, giảm chất lượng công trình.

Không chỉ cát xây dựng khan hiếm, cát san lấp cũng thiếu nguồn cung. Điều này đẩy nhiều dự án lớn đang trong giai đoạn san lấp vào thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi nếu không thực hiện giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng theo tiến độ, dễ bị thu hồi lại dự án.

Thế nhưng, muốn làm tiếp cũng khó kiếm nguồn cát san lấp cho dù đã chấp nhận giá cao.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại các nhà cung cấp đang lợi dụng việc khan hiếm nguồn cung khi cơ quan chức năng siết chặt khai thác cát và dừng cấp phép cho các dự án mới để tiếp tục đẩy giá tăng thêm, ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Hiện tượng giá cát tăng cao được chỉ rõ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp xây lắp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục