Giá càphê Việt Nam liên tục tăng cao và thiết lập các kỷ lục mới

Xuất khẩu tăng mạnh đã tác động tích cực tới giá càphê trong nước khiến giá càphê liên tục tăng cao và đã cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 30% so với cuối năm 2023.

Giá càphê đã được duy trì trên mức trên 90.000 đồng/kg hơn 1 tuần nay. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Giá càphê đã được duy trì trên mức trên 90.000 đồng/kg hơn 1 tuần nay. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Những thuận lợi trong xuất khẩu những tháng gần đây khiến giá càphê trong nước liên tục thiết lập mức kỷ lục mới.

Ngày 13/3, giá càphê tại các tỉnh Tây Nguyên được ghi nhận ở mức 91.000-92.000 đồng/kg.

Đáng chú ý là mức giá trên 90.000 đồng/kg đã được duy trì hơn 1 tuần nay.

Giá càphê liên tục tăng cao và đã cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 30% so với cuối năm 2023.

Theo các doanh nghiệp, xuất khẩu tăng mạnh đã tác động tích cực tới giá càphê trong nước.

Giá càphê vượt 90.000 đồng/kg khiến khó có một doanh nghiệp hay chuyên gia nào có thể dự đoán được.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu càphê của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 đạt 438.000 tấn với 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về khối lượng và tăng 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Càphê là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đứng thứ hai về giá trị xuất khẩu trong các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu (sau gỗ và các sản phẩm gỗ).

Lũy kế 5 tháng đầu niên vụ càphê 2023-2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 764.802 tấn cà phê, với kim ngạch xuất khẩu trên 2,36 tỷ USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 39,4% về giá trị so với cùng kỳ niên vụ trước.

Thị trường đứng đầu nhập khẩu càphê Việt Nam là Đức, chiếm tỷ trọng 11%, tiếp đến là Italy, Nhật Bản, Tây Ban Nha…

ttxvn_1303_caphe (2).jpg
Nhân công loại bỏ trái càphê xanh để đảm bảo nguyên liệu làm càphê đặc sản. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá càphê trong nước tăng cao so với nhiều năm trong lịch sử, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Daklak), cho biết do nhu cầu của thế giới với càphê robusta của Việt Nam rất lớn, trong khi nguồn cung trong nước lại thấp hơn so với những năm trước.

Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam (Vicofa) ước tính sản lượng càphê trong niên vụ 2023-2024 giảm khoảng 10% so với niên vụ trước do diện tích sản xuất thu hẹp khi một số hộ dân chuyển sang trồng sầu riêng.

Trong khi tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới thấp nhất trong nhiều năm, chỉ bằng 1/3 so với niên vụ trước đó.

Vụ thu hoạch 2023-2024 vừa kết thúc nhưng thị trường nội địa Việt Nam đã bắt đầu xảy ra hiện tượng khan hàng.

Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu càphê là bởi tồn kho càphê robusta trên sàn ICE tính đến cuối tháng 2/2024 tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục là 19.600 tấn (khoảng 326.667 bao, bao 60kg), mức thấp nhất kể từ năm 2014.

Theo Tổ chức Càphê Quốc tế - ICO, sản lượng càphê niên vụ 2023-2024 của Indonesia ước giảm 16,6% so với niên vụ trước xuống còn 10 triệu bao, do mưa quá nhiều trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 5/2023.

Còn theo dự báo của Công ty StoneX, sản lượng càphê của Brazil niên vụ 2024-2025 (từ tháng 7/2024-6/2025) đạt 67 triệu bao, tăng 4,2% so với niên vụ 2023-2024.

Dù đang ở mức giá cao kỷ lục, song nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cũng cảnh báo nông dân cần cân nhắc chọn thời điểm thích hợp để bán hàng, bởi dự báo diễn biến giá trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn.

Giá càphê có thể tiếp tục tăng, phá kỷ lục cũ nhưng cũng có thể quay đầu giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục