Tuần qua (từ ngày 26 đến 31/10), giá lúa gạo ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định so với tuần trước.
Cùng chung xu hướng này là giá tiêu, sau 1 tuần tăng ấn tượng mặt hàng này duy trì ổn định ở mức giá cao. Trong khi đó, giá càphê tiếp đà phục hồi với mức tăng khá.
Thị trường nông sản trong nước
Giá lúa gạo tuần qua tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ở mức ổn định. Giá gạo nguyên liệu IR 50404 ở mức 9.300-9.350 đồng/kg. Gạo thành phẩm xuất khẩu tăng 50 đồng/kg IR 50404 ở mức 10.600 đồng/kg; giá tấm ổn định ở mức 9.200 đồng/kg. Giá cám vàng tăng 100 đồng/kg lên 6.700 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, giá lúa Đài Thơm 8 tại vựa đứng ở mức 6.050 đồng/kg; OM 4900 là 6.150 đồng/kg; OM 6976 là 5.750 đồng/kg; lúa RVT giá 6.400 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá duy trì ở mức ổn định. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 50404 ở mức 9.350 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 ở mức 9.000 đồng/kg; gạo OM 18 ở mức 9.050 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 50404 là 10.500 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.000-6.200 đồng/kg; tương đương so với tuần trước; các loại lúa chất lượng cao như Jasmine từ 6.200-6.300 đồng/kg, lúa OM từ 6.000-6.300 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước đã thu hoạch được khoảng 1 triệu ha lúa Mùa, chiếm 63,3% diện tích gieo cấy và bằng 97,5% so cùng kỳ; năng suất ước đạt 51,3 tạ/ha; sản lượng ước đạt 5,15 triệu tấn.
[Kinh tế Việt Nam với những kỳ vọng phục hồi trong quý III]
Với lúa Thu Đông, các địa phương đã xuống giống được 701,4 nghìn ha, bằng 98% so cùng kỳ; đã thu hoạch 387,1 nghìn ha, chiếm 55,2% diện tích gieo cấy và tăng 3,2% cùng kỳ năm trước. Năng suất trên diện tích thu hoạch ước đạt 55,2 tạ/hạ, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 2,14 triệu tấn.
Theo Diễn đàn của người làm càphê, tuần qua giá càphê tiếp tục hồi phục với giá tăng khá. Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 31/10 dao động trong khung 32.500-33.000 đồng/kg, tăng 800-900 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Mưa lớn và gió mạnh do bão đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực trồng càphê chủ chốt của Việt Nam vì nhiều cây càphê bị gãy đổ. Dự báo khu vực này sẽ thường xuyên có mưa trong nhiều ngày tới gây ảnh hưởng đến việc thu hoạch.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ, đứng ở mức 1.479 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 100-120 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 3/2021 tại London.
Về giá tiêu, sau khi tăng mạnh vào tuần trước, tuần qua mặt hàng này nhìn chung có xu hướng ổn định. Theo Tintaynguyen, giá tiêu ở Tây Nguyên và miền Nam đang trong khoảng 52.000-54.500 đồng/kg.
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hiện được thu mua ở mức 52.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai và Đồng Nai, giá tiêu cùng ở mức 52.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với tuần trước. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, giá tiêu vẫn được thu mua ở mức cao nhất 54.500 đồng/kg, còn ở Bình Phước là 53.500 đồng/kg.
Thị trường nông sản thế giới
Về thị trường gạo châu Á, tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng giữa bối cảnh nguồn cung chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình bão lũ và sạt lở đất ở khu vực miền Trung của đất nước.
Trong khi đó, những khó khăn trong khâu trung chuyển hậu cần cũng là nguyên nhân khiến các đơn hàng xuất khẩu của Ấn Độ chậm lại.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tuần này đã tăng lên 495 USD/tấn, so với mức 485-490 USD/tấn của tuần trước đó. Một thương nhân ở tỉnh An Giang cho biết nguyên nhân là do "nguồn cung gạo đang khan hiếm, trong khi nhu cầu trong nước lại tăng lên khi hàng triệu người dân ở miền Trung của Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi hàng loạt trận lũ lụt và sạt lở đất".
Hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang chậm lại do sự tắc nghẽn tại cảng hàng quan trọng. B. V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo, cho biết: "Các vấn đề trong khâu hậu cần đã làm hoạt động xuất khẩu chậm lại. Trong khi đó, giá cước vận tải container tăng mạnh cũng ảnh hưởng đến các thương nhân."
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống mức 370-375 USD/tấn so với 372-377 USD/tấn của tuần trước. Giải thích về diễn biến này, một nhà xuất khẩu có trụ sở tại thành phố Kakinada ở bang Andhra Pradesh cho biết sự mất giá của đồng rupee đã cho phép các nhà xuất khẩu chào bán gạo với giá cạnh tranh hơn.
Tại Bangladesh, quốc gia này đang phải vật lộn với tình trạng nguồn cung gạo ngày càng cạn kiệt trong khi giá nội địa tăng đột biến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp. Trong bối cảnh đó, Dhaka dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi lượng gạo thu mua bắt đầu từ vụ thu hoạch vào giữa tháng 11 tới, sau khi những nỗ lực nhằm tăng cường nguồn cung trước đó không đạt mục tiêu.
Bộ Lương thực Bangladesh cho biết chính phủ sẽ mua 650.000 tấn giống lúa Aman được tưới bằng nước mưa từ nông dân, tăng so với khoảng 380.000 tấn được mua vào năm ngoái.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 452- 480 USD/tấn từ mức 435-440 USD/tấn được ghi nhận một tuần trước đó, do nhu cầu trong và ngoài nước tăng cao.
Về thị trường càphê châu Á, tình trạng thời tiết không thuận lợi đã khiến giá càphê tại Việt Nam tăng lên mức 1.3962-1.4652 USD/tấn thay vì 1.3402-1.4221 USD/tấn được ghi nhận vào tuần trước.
Một thương nhân ở Tây Nguyên cho biết: "Chưa có ước tính về tác động của cơn bão nhưng lượng mưa liên tục đã khiến hạt càphê không thể chín và sẵn sàng để thu hoạch."
Trong khi đó Brazil, nhà sản xuất càphê hàng đầu thế giới, đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu càphê trong tháng 9. Hội đồng các nhà xuất khẩu càphê của Brazil cho biết nước này đã xuất khẩu khoảng 3,8 triệu bao càphê trong tháng 9/2020, tăng 8,6% so với hồi tháng 9/2019.
Về thị trường nông sản kỳ hạn Mỹ, kết thúc phiên giao dịch 30/10, tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động trái chiều, trong đó giá ngô gần như không thay đổi, giá lúa mỳ giảm còn giá đậu tương tăng.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2020 vẫn được giữ nguyên ở mức 3,985 USD/bushel, trong khi giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 5,25 xu Mỹ, tương đương 0,87%, xuống còn 5,985 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 1/2020 tăng 5,75 xu Mỹ, tương đương 0,55%, lên mức 10,5625 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Theo Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago, thị trường nông sản CBOT không tránh khỏi những xáo động giữa bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo sẽ bán 121.500 tấn đậu tương Mỹ cho một điểm đến không được công bố trong niên vụ 2020/2021. Ngoài ra, giới truyền thông cũng đưa tin rằng một lô hàng ethanol của Mỹ cuối cùng cũng được chuyển đến Trung Quốc.
Trong khi đó, dữ liệu về sản lượng ngô của Ukraine tiếp tục gây thất vọng với quy mô thu hoạch chỉ ở mức 28,4 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với dự báo của USDA là 36,5 triệu tấn.
Thời tiết cũng được dự báo khô và hầu như không có mưa ở Argentina và khu vực phía Nam của Brazil trong 12 ngày tới. Hiện tượng thời tiết La Nina đang tăng cường nhanh chóng là một mối lo ngại vì La Nina sẽ dẫn đến điều kiện thời tiết khô hạn trên khắp hai khu vực này./.