Giá càphê đồng loạt đi xuống do áp lực thông tin cung-cầu và tỷ giá

Do tiếp tục chịu sức ép từ thông tin cung-cầu và áp lực từ tỷ giá, giá càphê Arabica giảm 2,18% so với tham chiếu, giá càphê Robusta đánh mất 2,43%, về mức thấp nhất trong hai tháng.

Càphê Arabica. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Càphê Arabica. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết khép lại phiên giao dịch ngày 21/10, giá hai mặt hàng càphê đồng loạt suy yếu.

Cụ thể, giá càphê Arabica giảm 2,18% so với tham chiếu, giá càphê Robusta đánh mất 2,43%, về mức thấp nhất trong hai tháng. Thị trường tiếp tục chịu sức ép từ thông tin cung-cầu và áp lực từ tỷ giá.

Báo cáo từ các cơ quan thời tiết cho thấy mưa đã trở lại hầu hết các vùng trồng càphê chính của Brazil vào tuần trước. Điều này giúp cải thiện điều kiện phát triển của cây càphê cũng như mang theo kỳ vọng mùa vụ càphê 2025-2026 có thể cải thiện sau chuỗi ngày khô hạn kỷ lục kéo dài.

Dự báo mưa sẽ tiếp diễn ít nhất đến hết tháng 10. Lượng mưa gia tăng tại khu vực Đông Nam của Brazil, kết hợp cùng nhiệt độ dịu xuống sẽ là điều kiện lý tưởng để cây cà phê tiếp tục phục hồi và phát triển.

Tuy vậy, nông dân và giới phân tích vẫn dự đoán sản lượng càphê thu hoạch trong năm 2025 của Brazil sẽ tiếp tục giảm so với năm nay do mưa đến muộn khiến mùa vụ không thể phục hồi hoàn toàn.

Ngoài ra, thông tin được nhiều nhà đầu tư, xuất khẩu và nhập khẩu cà phê trên thế giới quan tâm là quy định nhập khẩu hàng hóa liên quan đến phá rừng của EU (EUDR) đã có thông báo mới nhất.

Các đại sứ Liên minh châu Âu đã nhất trí gia hạn việc thực thi quy định EUDR thêm một năm cho đến cuối tháng 12 năm sau.

Việc trì hoãn này kỳ vọng sẽ giúp cung-cầu càphê trên thị trường bình ổn hơn khi các nhà nhập khẩu càphê tại châu Âu sẽ kìm lại tình trạng đẩy mạnh mua vào thời gian qua.

Đồng thời, các nhà xuất khẩu càphê có thời gian để đảm bảo quy định, từ đó đảm bảo nguồn cung cho thị trường khi EUDR chính thức có hiệu lực.

Bên cạnh đó, chỉ số Dollar Index tăng 0,5%, kéo theo tỷ giá USD/BRL tăng vọt ngay khi mở cửa.

USD/BRL có sự chênh lệch giá lớn hơn, khiến thị trường rơi vào tâm lý lo ngại Brazil sẽ đẩy mạnh xuất khẩu do thu về nhiều ngoại tệ hơn. Điều này gia tăng sức ép lên giá càphê trong phiên hôm qua.

MXV cho biết thông tin quan trọng các nhà đầu tư nên lưu ý trong thời gian tới là các nhà đầu cơ trên thị trường càphê phái sinh đã bắt đầu thu hẹp các vị thế mua ròng khi Việt Nam bắt đầu vụ thu hoạch và dự kiến sẽ vào chính vụ trong 1-1,5 tháng tới. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường kỳ vọng nguồn cung mới từ Việt Nam sẽ gây sức ép lên giá.

Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (22/10), giá càphê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ dao động trong khoảng 111.100-111.700 đồng/kg.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê hiện cao gần gấp đôi từ mức 59.100-59.900 đồng/kg.

Tính từ đầu năm đến nay, giá càphê đã tăng hơn 43.000 đồng/kg so với mức 67.500-68.400 đồng/kg./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục