Giá càphê bật tăng mạnh trở lại, vượt 34.000 đồng mỗi kg

Giá càphê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua đã bật tăng mạnh trở lại theo diễn biến tăng của thị trường thế giới, vượt mốc 34.000 đồng/kg.
Giá càphê bật tăng mạnh trở lại, vượt 34.000 đồng mỗi kg ảnh 1Nông dân xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô, Đắk Nông, thu hoạch lúa Đông Xuân. (Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN)

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giữ ổn định, các tỉnh miền Bắc bước vào thu hoạch lúa Đông Xuân trong sự phấn khởi vừa được mùa vừa, được giá.

Bên cạnh đó, giá mặt hàng càphê trong nước đã bật tăng mạnh trở lại và vượt 34.000 đồng/kg.

Về mặt hàng lúa gạo trong nước, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tuần qua giá lúa ở hầu hết các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn giữ ổn định.

[Giá gạo tăng cao, doanh nghiệp vẫn lên kế hoạch lợi nhuận thận trọng]

Cụ thể, tại Cần Thơ, giá lúa khô như Jasmine ở mức 7.300 đồng/kg, OM 4218 là 6.900 đồng/kg, IR 50404 là 6.700 đồng/kg...

Tại Sóc Trăng, giá các loại lúa khô như Đài Thơm 8 là 8.100 đồng/kg; ST24 là 8.150 đồng/kg; RVT là 7.250 đồng/kg, OM 4900 là 8.200 đồng/kg...

Tại Hậu Giang, giá một số loại lúa khô có xu hướng tăng như IR 50404 là 7.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Đài Thơm 8 là 7.700 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg.

Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, nhìn chung giá lúa trên địa bàn tỉnh trong tuần qua vẫn ổn định, tuy nhiên có một số loại thì giảm nhẹ.

Cụ thể, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.000-6.100 đồng/kg; Đài Thơm 8 từ 6.400-6.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM các loại từ 6.000-6.300 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.500-7.600 đồng/kg...

Giá một số mặt hàng gạo tại An Giang cũng có xu hướng ổn định.

Giá gạo thường dao động ở mức từ 11.000-12.000 đồng/kg, gạo Nhật là 24.000 đồng/kg, nếp 14.000 đồng/kg, gạo Jasmine từ 14.000-15.000 đồng/kg, riêng gạo Hương Lài 17.000 đồng/kg.

Nhìn lại giá lúa gạo trong tháng 5/2021 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng, giảm không đồng nhất giữa các địa phương.

Còn tại các tỉnh phía Bắc, nhiều địa phương cũng bước vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân 2020-2021 với sự phấn khởi được mùa được giá.

Cục Trồng trọt cho biết vụ Đông Xuân 2020-2021 ở miền Bắc diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Nhờ đó, vụ sản xuất này đã thắng lợi kỷ lục về năng suất, sản lượng, giá trị; lợi nhuận tăng do diện tích giống lúa chất lượng được mở rộng và chi phí sản xuất giảm.

Năng suất lúa vụ Đông Xuân ước đạt khoảng 63,6 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước. Sản lượng lúa toàn miền Bắc vụ Đông Xuân 2020-2021 ước đạt 6,9 triệu tấn, tăng khoảng 34.000 tấn.

Nhiều huyện như Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa... của tỉnh Thanh Hóa năng suất lúa trên 70 tạ/ha.

Giá lúa lại còn tăng từ 1.200-1.400 đồng/kg so với cùng kỳ khiến nông dân phấn khởi.

Ông Lê Văn Thông, thôn 3 xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống cho biết nếu bán lúa ngay tại ruộng cho các công ty, gia đình thu được 6.800 đồng/kg, còn phơi một nắng rồi bán cũng được 7.200 đồng/kg.

Với diện tích lúa đã chín, các địa phương đang huy động tối đa máy móc, phương tiện, nhân lực để thu hoạch nhanh gọn theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng," thu hoạch đến đâu làm đất đó để triển khai gieo cấy lúa Hè Thu và lúa Mùa đúng lịch thời vụ.

Giá càphê bật tăng mạnh trở lại, vượt 34.000 đồng mỗi kg ảnh 2Nông dân Gia Lai thu hoạch càphê. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Về mặt hàng càphê, giá càphê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua đã có bật tăng mạnh trở lại theo diễn biến tăng của thị trường thế giới.

Theo Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương, giá càphê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên chốt từ 33.600-34.500 đồng/kg, tăng tới 1.800 đồng so với mức giá của tuần trước.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu càphê của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước với 720.000 tấn.

Giá trị xuất khẩu càphê của Việt Nam trong giai đoạn này có thể sẽ giảm 5% đạt 1,3 tỷ USD. Trong số đó, riêng tháng 5/2021, xuất khẩu càphê của Việt Nam ước đạt 135.000 tấn, thu về 248 triệu USD.

Trong khi giá nông sản trong nước có xu hướng ổn định, chỉ có giá càphê tăng mạnh thì trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng nông sản lại giao dịch trái chiều.

Cụ thể, giá các loại nông sản giao kỳ hạn tại thị trường Mỹ đều giảm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/5, dẫn đầu là mặt hàng lúa mỳ.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2021 giảm 7,75 xu Mỹ (1,17%) xuống 6,5675 USD/bushel.

Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn cũng giảm 12,75 xu Mỹ (1,89%) xuống 6,635 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 7/2021 giảm 6,5 xu Mỹ (0,42%) xuống 15,305 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá các mặt hàng nông sản giao kỳ hạn trên sàn CBOT giảm do sự điều chỉnh sau đợt tăng giá mạnh hôm 27/5.

Chính phủ Brazil mới đây cũng đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về nguồn nước từ tháng 6-9/2021 đối với các bang Minas Gerais, Mato Grosso do Sul, Sao Paulo và Parana, tất cả bang này đều thuộc Lưu vực sông Parana, trung tâm sản xuất nông nghiệp của Brazil.

Đây là cảnh báo khẩn cấp về nước đầu tiên trong 111 năm hoạt động của các cơ quan khí tượng ở Brazil, cho thấy mức độ nghiêm trọng của đợt hạn hán năm 2021.

Nga sẽ bắt đầu áp thuế xuất khẩu thả nổi từ ngày 2/6. Mức thuế ban đầu được áp đặt ở mức 28,10 USD/tấn.

Thuế xuất khẩu ngô của Nga sẽ tăng từ 30,52 USD lên 52,20 USD/tấn. Do đó, AgResource dự kiến Nga sẽ xuất khẩu ít lúa mỳ và ngô từ nay đến tháng 9/2021 hơn so với cùng giai đoạn năm ngoái.

Dự báo thời tiết cho thấy thời tiết tại Bắc Dakota khô hơn nhưng ở khu vực phía Đông Mỹ ẩm hơn. Ở phía Nam của khu vực khô hạn nhất đồng bằng Bắc Mỹ và Canada trong 10 ngày tới sẽ có mưa.

Về thị trường gạo châu Á, giá gạo Ấn Độ đã nới rộng đà tăng trong phiên ngày 27/5 nhờ đồng rupee mạnh lên.

Trong khi đó, cả nhà xuất khẩu gạo hàng đầu và nước láng giềng Bangladesh đều đang đánh giá những thiệt hại đối với các hoạt động cầu cảng và tình hình mùa màng sau cơn bão Yaas quét qua.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng lên từ 382-388 USD/tấn so với mức từ 379-385 USD/tấn trong tuần trước. Đồng rupee đã leo lên mức cao nhất trong hai tháng.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở phía nam bang Andhra Pradesh cho hay nhu cầu đã ổn định sau khi hoạt động vận chuyển và bốc xếp gạo tại một số cảng đã bị gián đoạn vào đầu tuần này do bão.

Các quan chức của cả hai nước cho biết hàng trăm nghìn dân làng dọc theo bờ biển trũng thấp ở miền đông Ấn Độ và Bangladesh đã bị nước lũ cuốn trôi hôm 27/5 sau khi một cơn lốc xoáy mạnh quét qua, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.

Các quan chức Bangladesh lo ngại cây trồng/mùa màng có thể bị thiệt hại vì những vùng đất màu mỡ rộng lớn bị ngập trong nước mặn do triều cường.

Mizanur Rahman Khan, một quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp Bangladesh cho hay chính phủ đang thu thập báo cáo từ các huyện bị ảnh hưởng bởi bão, và điều may mắn là công tác thu hoạch vụ lúa Hè đã gần hoàn tất.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng lên từ 457-485 USD/tấn so với mức từ 454-475 USD/tấn trong tuần trước do phí vận chuyển container cao hơn, trong khi nhu cầu ở nước ngoài vẫn ảm đạm.

Tuy nhiên, một số nhà giao dịch dự kiến tình hình nguồn cung dồi dào sắp tới có thể giúp giá giảm nhẹ. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi trong tuần thứ ba liên tiếp, ở mức từ 490-495 USD/tấn.

Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung thấp, trong khi một số nhà xuất khẩu do dự trong việc ký hợp đồng mới do khan hiếm container, đặc biệt là những chuyến xuất sang thị trường châu Âu và Trung Đông.

Tuy nhiên, Việt Nam nhận thấy nhu cầu tăng lên, đặc biệt là từ Trung Quốc và Philippines, những nước gần đây đã cắt giảm thuế nhập khẩu gạo.

Thị trường càphê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá càphê Robusta giao tháng 7/2021 tại London tăng 14 USD/tấn ở mức 1.517 USD/tấn.

Trong khi đó, giá càphê Arabica giao tháng 7/2021 trên sàn New York giảm 0,35 xu Mỹ/lb xuống 155,35 xu Mỹ/lb, do giới đầu cơ bán ra chốt lời sau đợt tăng giá mạnh trong phiên trước đó.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lượng hàng tồn kho sang niên vụ mới 2021/2022 ước khoảng 7,23 triệu bao càphê Robusta, do Việt Nam xuất khẩu khá chậm vì sức tiêu thụ toàn cầu sụt giảm, cước vận tải biển tăng cao trong mùa đại dịch/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục