Giá cả những tháng cuối năm: Điều hành giá thận trọng linh hoạt

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá về xu hướng thị trường và những giải pháp trong điều hành giá của cơ quan quản lý từ nay đến cuối năm.
Điểm cung ứng hàng hóa tại Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Giá cả những tháng cuối năm sẽ còn nhiều biến động bất thường do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về xu hướng thị trường và những giải pháp trong điều hành giá của cơ quan quản lý từ nay đến cuối năm.

- Thưa ông, trước diễn biến dịch COVID-19 đang rất phức tạp như hiện nay, Bộ Tài chính dự báo tình hình giá cả hàng hóa từ nay đến cuối năm như thế nào?

Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Những tháng cuối năm dự báo giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, đặc biệt là nguyên, nhiên vật liệu phục vụ thúc đẩy sản xuất.

Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới Việt Nam, gia tăng tỉ lệ “nhập khẩu lạm phát.” Chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa tăng cao, nhất là đối với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, tăng trưởng chủ yếu dựa trên xuất nhập khẩu.

Tôi cho rằng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm dự báo không có biến động lớn do nguồn cung dồi dào; giá gạo nhìn chung cơ bản ổn định, có thể tăng nhẹ trong thời điểm cuối năm do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính vẫn duy trì ở mức cao.

Giá thịt lợn cơ bản ổn định nhưng không loại trừ khả năng có thể tăng nhẹ trở lại do các yếu tố đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống ở mức cao. Tuy vậy mức giá không thể tăng mạnh do nguồn cung vẫn dồi dào, được đảm bảo.

[Giá cả những tháng cuối năm: Không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa]

Dự báo giá xăng dầu thế giới trong những tháng còn lại năm 2021 sẽ khó có thể tăng thêm do mức giá hiện nay đã ở mức cao cũng như sự lo ngại về dịch. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu thị trường trong nước dự báo sẽ không có biến động mạnh nhưng sẽ tăng trong một số thời điểm nếu giảm mức sử dụng quỹ bình ổn giá.

Giá thép và các loại nguyên, vật liệu khác cũng không có biến động lớn, có thể giảm nhẹ khi bước vào tháng 7 Âm lịch (tháng ngâu) và tăng nhẹ vào thời điểm cuối quý III, đầu quý IV khi bước vào mùa xây dựng.

Mặc dù vậy, cũng phải tính đến áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công trong giai đoạn tới như giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới cao hơn so với bộ sách cũ. Điều này sẽ có tác động nhất định tới mặt bằng giá.

Tuy nhiên theo tôi từ nay đến cuối năm sẽ có những yếu tố tạo thuận lợi cho kiểm soát lạm phát như: nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế như nợ công, thâm hụt ngân sách, cán cân xuất nhập khẩu...vẫn được điều hành đảm bảo.

Xe chở hàng lưu động của Siêu thị Tứ Sơn sẽ phục vụ người dân Châu Đốc, An Giang đến khi địa phương kết thúc giãn cách xã hội. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

- Vậy Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản điều hành giá như thế nào, thưa ông? 

Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Dựa trên việc đánh giá các yếu tố trên, dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2021 vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và theo đúng kịch bản điều hành giá đã đề ra nếu không có những yếu tố quá bất thường. Theo ước tính của Bộ Tài chính, CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng trên 1% so với tháng trước để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%.

Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Điều này có thể tác động làm giá cả một số mặt hàng biến động cục bộ tại một số thời điểm ở địa phương bị ảnh hưởng.

- Với tư cách là thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp gì để thực hiện kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, thưa ông?

Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quản lý, điều hành giá một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Bên cạnh đó, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối với diễn biến giá cả thị trường các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu trên thế giới và trong nước, Bộ đề nghị cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp.

Bộ đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2021.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, quản lý kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật; ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động “tát nước theo mưa” để trục lợi.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cước vận tải hàng hóa, nghiên cứu các giải pháp căn cơ nhằm giảm bớt các chi phí trong khâu logistics để có điều kiện giảm giá thành sản phẩm.

Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai theo lộ trình thị trường cần đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Song song với đó là giữ ổn định chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát cơ bản, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như: chứng khoán, bất động sản, điều tiết tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản, không để xảy ra hiện tượng sốt giá, thổi giá./.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục