Liên tục những tháng gần đây, giá thép và nguyên liệu sản xuất thép tăng mạnh đã gây ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực xây dựng, tiến độ xây dựng cơ bản và ngành sản xuất thép trong nước.
Các bộ, ngành đã có nhiều giải pháp nhằm kiểm soát đà tăng giá của mặt hàng này, song các chuyên gia nhận định, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, giá thép sẽ khó có thể trở về mốc cũ mà sẽ thiết lập mặt bằng giá mới ở mức cao. Việc ghìm đà tăng của giá thép được hy vọng phần nào vào nội lực của ngành thép.
Giá tăng phi mã
Anh Ngô Khánh, Chủ cửa hàng sắt thép tại Hà Nội cho biết: "Những tháng qua, giá thép từ các nhà máy liên tục có thông báo thay đổi giá theo từng ngày, thậm chí từng giờ. Hiếm khi nào giá thép thay đổi liên tục như vừa qua. Nhiều cửa hàng không dám công bố giá vì sợ nhà sản xuất sẽ tiếp tục thay đổi mức giá.”
Thực tế, từ đầu năm đến nay, giá thép tăng cao lên đến 50-60% khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng và đại lý kinh doanh như “ngồi trên đống lửa.” Giá thép trên thị trường vừa qua có thời điểm đã lên tới hơn 18 triệu đồng/tấn, cao hơn so với hồi đầu năm 2021 khoảng 6-7 triệu đồng/tấn.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, thép là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng về giá cao nhất trong giá thành xây dựng. Giá thép tăng mạnh tới hơn 50% như vừa qua khiến các nhà thầu xây dựng trong nước gặp khó, đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quốc Phương, giá vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.
Giá thép tăng cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tiến độ giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước.
Lý giải nguyên nhân thép tăng giá mạnh, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, giá phế liệu đã liên tục tăng mạnh, từ mức 207 USD/tấn vào tháng 4/2020 lên mức 500 USD/tấn vào ngày 10/5/2021, tương ứng mức tăng gấp 2,5 lần.
[Thuế xuất-nhập khẩu sửa đổi không tác động lớn cổ phiếu ngành thép]
Thời gian tăng mạnh nhất từ tháng 11/2020 đến nay với giá phế liệu từ mức 300 USD/tấn lên 500 USD/tấn, tăng gần gấp đôi. Có thời điểm chỉ trong khoảng 1 tháng, giá phế liệu tăng từ 430 USD/tấn lên 500 USD/tấn, tăng 70 USD/tấn.
Với quặng, nếu như vào tháng 5/2020, giá quặng sắt ở mức 88 USD/tấn thì đến tháng 5/2021 đã lên mức 229 USD/tấn, cao gấp 2,6 lần. Tính riêng từ tháng 4 đến tháng 5/2021, giá quặng tăng từ 167 USD/tấn lên 229 USD/tấn.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguyên nhân đầu tiên giá thép tăng là Trung Quốc đang chiếm tới 60% sản lượng thép thô toàn cầu.
Trong khi đó nước này thời gian qua áp dụng một số chính sách đối với mặt hàng thép như thắt chặt nguồn cung nhằm kiểm soát ô nhiễm; nhu cầu tiêu thụ tăng cao do phục hồi kinh tế; chi phí sản xuất thép của Trung Quốc cao hơn so với các quốc gia làm nhập khẩu bán thành phẩm đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào cuối năm 2020.
Mặc dù năng lực sản xuất các sản phẩm thép của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa, tuy nhiên, nguyên liệu như quặng sắt, phế thép, nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên như than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa… phục vụ sản xuất thép hầu hết phải nhập khẩu. Do đó thị trường thép Việt Nam chịu sự chi phối lớn từ thị trường toàn cầu.
Theo đánh giá từ Tập đoàn Hòa Phát, giá phế liệu, quặng sắt tăng mạnh suốt thời gian qua tác động rất lớn đến chi phí đầu vào sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất. Giá thành phẩm thép trong nước như thép cuộn từ tháng 10/2020 đến nay tăng khoảng 56%; giá thép cây tăng khoảng 42%...
Giá nguyên liệu tăng bằng số lần, trong khi giá bán thành phẩm chỉ có thể tăng khoảng 50% khiến cho doanh nghiệp thép gặp khó khăn. Giá bán thành phẩm cân đối theo thị trường thế giới, khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và nhanh sẽ khiến giá thành không thể tăng tương ứng, “không cõng” được hết chi phí nguyên liệu.
“Ghìm cương” giá thép
Nguyên liệu đầu vào tăng giá là tác nhân chính khiến thép tăng giá. Mặc dù đà tăng giá đã được ghìm lại nhưng năm 2021 vẫn được dự báo là năm nhiều biến động với giá thép.
Theo số liệu từ VSA, hiện giá quặng vẫn đang tiếp tục trên đà tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá quặng sắt tháng 7 giao dịch ở mức 221,75- 222,25 USD/tấn, tăng khoảng 20 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 6/2021; giá thép phế ở mức 518 USD/tấn, tăng nhẹ 10 USD/tấn so với hồi đầu tháng 6/2021.
Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho rằng, giá thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoàng tài chính 2008.
Cùng quan điểm trên, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, mặt bằng giá mới sẽ được xác lập và mặt bằng này có thể cao hơn với mặt bằng hiện tại bây giờ.
Để xây dựng thị trường thép ổn định, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết đã kiến nghị các thành viên hiệp hội và nhà sản xuất kinh doanh thép, trong ngắn hạn khi giai đoạn thị trường trong nước diễn biến phức tạp ưu tiên phục vụ thị trường trong nước.
Còn về dài hạn, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng kiến nghị các nhà sản xuất thép nghiên cứu đầu tư tăng chuỗi giá trị gia tăng trong suốt quá trình sản xuất thép. Việt Nam không giàu về nguyên liệu sản xuất thép.
Các mỏ quặng sắt đáng kể như Thạch Khê, Quý Sa cũng chỉ có thể đáp ứng nhu cầu khoảng 10-15 năm. Vì vậy, theo ông Đa các doanh nghiệp cần phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định trên thị trường quốc tế.
Thời gian vừa qua, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng rất chủ động đưa ra các báo cáo và kiến nghị để Chính phủ và Bộ Công Thương có giải pháp sớm ổn định thị trường.
"Vai trò của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ cần phải hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp để có thể đầu tư hoặc có những hợp đồng chiến lược dài hạn giúp cho các doanh nghiệp thép Việt Nam có được một nguồn nguyên liệu ổn định với giá cả cạnh tranh", ông Nghiêm Xuân Đa chia sẻ.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có dự thảo đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép đồng thời giảm thuế nhập khẩu một số loại thép xây dựng tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020 về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi để góp phần giảm giá thép trong nước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành thép cho rằng, giá bán thép trong hơn 1 tháng qua đã liên tục giảm từ mức trên 18 triệu đồng/tấn xuống mức hơn 16 triệu đồng/tấn, thị trường đã bình ổn trở lại nhưng việc bán hàng của doanh nghiệp thép gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài, tồn kho tăng cao. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm sản xuất.
Vì vậy, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép, giảm thuế nhập thép xây dựng trong thời kỳ dịch bệnh kéo dài là không phù hợp. Nhu cầu trong nước không hấp thụ hết phải xuất khẩu. Nếu tăng thuế xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ gặp phải khó khăn kép về kênh bán hàng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Hòa Phát cho biết, tập đoàn này đã hoàn tất mua 100% cổ phần Dự án mỏ quặng sắt Roper Valley tại Australia và sắp tới sẽ tiếp tục thúc đẩy mua tiếp một số mỏ sắt, than luyện cốc tại đất nước này.
Việc mua mỏ sẽ giúp tập đoàn đảm bảo lâu dài nguồn cung quặng sắt, than luyện cốc, từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng này.
Hiện các nhà máy của Hòa Phát đang chạy tối đa công suất, đảm bảo cung ứng nhiều nhất sản phẩm cho thị trường. Chiến lược kinh doanh của tập đoàn này vẫn là ưu tiên thị trường trong nước, đảm bảo đủ hàng cho hệ thống đại lý.
Để giảm giá thép, ngoài việc nâng cao tự chủ sản xuất, nguyên liệu, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục triển khai các giải pháp về phòng vệ thương mại.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay, Bộ sẽ theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép./.