Trong quý 3/2021, bức tranh bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước khá ảm đạm do chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy vậy, thị trường này vẫn có những điểm sáng đến từ một số khu vực và loại hình; đặc biệt là giá bất động sản tiếp tục có xu hướng tăng, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Mức độ quan tâm bất động sản giảm
Thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus sáng 30/9, đại diện Batdongsan.com.vn cho biết trong quý 3/2021, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản sụt giảm khá mạnh do đợt bùng phát của dịch COVID-19 lần thứ tư kéo dài.
Cụ thể, lượng tin đăng (thể hiện nguồn cung) và mức độ quan tâm (nguồn cầu) đến bất động sản trong tháng Bảy giảm lần lượt là 22% và 12%. Trong tháng Tám, lượng tin đăng và mức độ quan tâm bất động sản tiếp tục giảm sâu hơn, lần lượt là 58% và 27%.
Các tỉnh, thành có mức giảm mạnh nhất trong tháng Bảy là Phú Yên với 37%, Bình Dương 35%, Đồng Nai 35%, Thành phố Hồ Chí Minh 33%, Khánh Hòa 32%.
Con số mức độ quan tâm tới các loại hình bất động sản trong tháng Tám cũng giảm mạnh tại Đà Nẵng với 49%, Bình Dương 40%, Hà Nội 36%, Đồng Nai 35%.
Theo nghiên cứu, loại hình bất động sản có mức sụt giảm mạnh nhất cả về nguồn cung và nguồn cầu là nhà riêng/nhà mặt phố, căn hộ chung cư và đất nền.
Mặc dù bức tranh chung kinh tế trong quý 3/2021 mang nhiều màu xám như vậy, song thị trường bất động sản cũng “lóe sáng” khi thể hiện được sự phát triển ổn định ở một số khu vực, tỉnh, thành phố nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh. Đơn cử như tại thành phố Hải Phòng, mức độ quan tâm đến bất động sản trong tháng Bảy và tháng Tám vừa qua tăng ổn định lần lượt là 4% và 8%.
[Chuyên gia: Bất động sản Việt Nam không bị tác động bởi Evergrande]
Đặc biệt, tại các địa phương từng là ổ dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, nhu cầu tìm kiếm bất động sản cũng ngược dòng thị trường với mức tăng ấn tượng.
“Nếu như trong tháng Sáu, hai tỉnh này có lượt quan tâm bất động sản sụt giảm mạnh nhất cả nước thì kể từ tháng Bảy đến nay, khi dịch được kiểm soát tốt, nhu cầu bất động sản có sự phục hồi mạnh mẽ và liên tục,” đại diện Batdongsan.com.vn nhấn mạnh.
Cụ thể, lượt quan tâm bất động sản tại Bắc Giang ghi nhận mức tăng trưởng theo tháng tương ứng là 22% trong tháng Bảy và 26% trong tháng Tám; tại Bắc Ninh lần lượt là 40% và 7%. Điều này cho thấy bất động sản có xu hướng giảm trong thời điểm dịch bùng phát nhưng sau dịch có sự phục hồi và sức bật khá lớn do nhu cầu bị nén lại.
Với Thành phố Hồ Chí Minh, dù lượt quan tâm có giảm nhưng đây vẫn là thị trường có sức hấp dẫn và được ưa chuộng nhất cả nước. Thậm chí, trong khi số ca nhiễm tại thành phố này có xu hướng tăng gấp nhiều lần các địa phương khác, nhu cầu tìm mua và sự quan tâm tới bất động sản tại đây vẫn ghi nhận mức độ cao nhất.
Giá chung cư tăng do nguồn cung khan hiếm
Đáng chú ý, giá bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn không có dấu hiệu giảm, thậm chí còn tăng mạnh so với cùng kỳ.
Theo đó, giá chào bán chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng Tám có xu hướng đi ngang so với tháng Bảy nhưng lại tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020. Hà Nội cũng tiếp tục ghi nhận giá rao bán căn hộ chung cư tăng 8% so với cùng kỳ.
Lý giải việc giá bất động sản có xu hướng tăng trong khi giao dịch giảm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào bất động sản tương đối dồi dào là những nguyên nhân chính.
“Hiện nay, một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch COVID-19 nhưng nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Điều này cho thấy càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn,” ông Quốc Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Quốc Anh, từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào bất động sản tăng nhanh, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất. Nhu cầu đầu tư vào bất động sản trước khi dịch COVID-19 bùng phát chiếm đến 75%. Trong các tháng tháng gần đây, do giãn cách xã hội nên dòng tiền không trực tiếp chảy vào bất động sản mà tập trung vào chứng khoán. Tuy vậy, sau đó dòng tiền vẫn sẽ lại quay trở về với bất động sản.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng không am hiểu về chứng khoán sẽ có xu hướng rót vào bất động sản, kênh đầu tư vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong dài hạn./.