Ghi nhận ý kiến cử tri ở nhiều địa phương gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố như An Giang, Thừa Thiên-Huế, Bình Thuận, Thanh Hóa tiến hành tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Ngày 10/10, Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố tiến hành tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tại An Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh đã thông tin đến cử tri dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh từ sau Kỳ họp thứ 7 đến nay; kết quả trả lời các vấn đề mà cử tri đặt ra tại tiếp xúc cử tri năm 2023.

Đóng góp ý kiến, cử tri Nguyễn Thành Trước, Liên đoàn Lao động huyện Thoại Sơn cho biết hiện nay, số lượng cán bộ công đoàn ở cấp tỉnh và cấp huyện được bố trí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, cử tri đề nghị Quốc hội xem xét quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của Công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới (Điều 26 của Dự thảo Luật Công đoàn).

Cử tri Phan Thị Ngọc Huyền, công nhân Công ty Cổ phần ATC Furniture (huyện Chợ Mới) cho rằng Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành có quy định “Thời gian 6 tháng nghỉ thai sản được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế."

Cử tri đề nghị dự thảo Luật Việc làm bổ sung nội dung “Thời gian 6 tháng nghỉ thai sản được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp” để bảo đảm sự đồng nhất về chế độ của 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp); đồng thời, bảo vệ quyền lợi lao động nữ.

Cử tri Nguyễn Kim Yến, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh An Giang đề nghị Quốc hội tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi); xem xét quy định phân chia tỷ lệ phân chia tài chính công đoàn 25/75 (cấp trên/cấp cơ sở) như nội dung của dự thảo Luật.

Tại tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang và đại diện các sở, ngành đã giải đáp một số nội dung theo thẩm quyền, đồng thời tiếp thu các ý kiến của cử tri đề xuất, kiến nghị.

Chiều 10/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến đến các điểm cầu ở 9 huyện, thị xã, thành phố Huế.

Tại hội nghị, cử tri kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chính sách đối với trường hợp thuộc diện thừa kế đất không chính chủ; công tác bồi thường tái định cư; giải pháp ngăn chặn thực trạng lừa đảo qua không gian mạng; quy định về đóng bảo hiểm xã hội; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp; phân cấp, phân quyền cho địa phương trong giải quyết công việc liên quan đến phát triển kinh tế xã hội...

Đặc biệt, nhiều cử tri bày tỏ phấn khởi trước nỗ lực, thành quả nổi bật về kinh tế-xã hội của địa phương thời gian qua, nhất là tỉnh sắp hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ghi nhận ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đồng thời trao đổi, giải thích và làm rõ một số vấn đề liên quan đến kiến nghị của cử tri, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến, báo cáo đến Quốc hội và các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Liên quan đến Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, ông Lê Trường Lưu cho rằng, tiến trình xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến thời điểm này đã gần về đến đích.

Thời gian tới, đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các phong trào thi đua nhằm tạo khí thế phấn khởi sôi nổi, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng hình ảnh vùng đất cố đô.

Sáng 10/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động.

Tại hội nghị, cử tri đề nghị Quốc hội xem xét quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của Công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Luật cần nâng cao hơn nữa quyền chủ động giám sát mang tính xã hội của Công đoàn. Ngoài ra, cử tri đề xuất nhiều chế độ, chính sách để góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động.

Cử tri công nhân kiến nghị tại kỳ họp. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Theo cử tri Đoàn Thị Mỹ Thạch, đoàn viên Công đoàn các Khu công nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh quan tâm nhiều hơn nữa đến việc xây nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp để công nhân yên tâm làm việc.

Cử tri Trần Văn Bình, Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ An Thuận, đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để xử lý những trường hợp doanh nghiệp chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Ghi nhận những ý kiến, đề xuất, đóng góp tâm huyết của cử tri, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho hay, với các kiến nghị ngoài thẩm quyền địa phương, Đoàn sẽ tổng hợp, nghiên cứu và gửi đến Quốc hội.

Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã trao tặng 100 suất quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tiếp xúc và gặp gỡ giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh với thanh thiếu nhi tỉnh Nghệ An năm 2024.

Tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung chia sẻ các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trăn trở về nhiều vấn đề như: tình trạng thanh, thiếu nhi ở một số huyện vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng; trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại, tai nạn giao thông, đuối nước, thương tích còn xảy ra...

Các loại thuốc lá thế hệ mới, chất kích thích và thực phẩm độc hại đã và đang tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần trẻ em; công tác đảm bảo an toàn trên không gian mạng đối với lứa tuổi thanh, thiếu nhi gặp khó khăn. Nhiều người lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm danh dự của người khác, đi ngược thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm cho một bộ phận giới trẻ có suy nghĩ sai lệch...

Hội nghị là dịp để các đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh, cơ quan, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất, ban hành các chính sách, pháp luật, giải quyết những vấn đề liên quan đến trẻ em trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các cử tri là thanh thiếu nhi đưa ra câu hỏi về vấn đề an toàn, văn hóa trên không gian mạng; biện pháp ngăn chặn quảng cáo không lành mạnh, phản cảm để không ảnh hưởng đến trẻ em; vấn đề áp lực học thêm; đưa dân ca ví giặm vào trường học; bạo lực học đường. Bên cạnh đó, bày tỏ mong muốn các cấp, ngành có cơ chế, chính sách cải thiện tốt hơn môi trường học tập, rèn luyện của thanh thiếu nhi.

Chiều 10/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tiếp xúc cử tri tại Cục Thuế tỉnh với chuyên đề đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tại hội nghị, các ý kiến đóng góp vào các nội dung gồm, đối tượng không chịu thuế, thời điểm xác định thuế, hành vi bị nghiêm cấm, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, hoàn thuế... Các đại biểu nêu ý kiến đóng góp về nội dung sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Hội nghị tiếp xúc cử tri tại Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Góp ý về bổ sung các trường hợp được hoàn thuế giá trị gia tăng, một số ý kiến cho rằng, theo dự thảo quy định cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% thì được hoàn thuế là khá phù hợp thực tế.

Bản chất hoàn thuế trong trường hợp này là hoàn thuế cho người nộp thuế chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất giá trị gia tăng 5%; trong khi đó thuế giá trị gia tăng đầu vào của chi phí có mặt hàng chịu thuế suất 10% cho nên lũy kế thuế giá trị gia tăng liên tục bị khấu trừ.

Ngoài ra, đại biểu góp ý bổ sung thêm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong khấu trừ, hoàn thuế để tăng cường cơ sở pháp lý trong thực hiện, quản lý thu thuế giá trị gia tăng và góp phần hạn chế trong gian lận, khấu trừ, hoàn thuế, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải cho biết sẽ tiếp các ý kiến, tổng hợp, chuyển cơ quan soạn thảo xem xét, trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục