Ghi nhận đỉnh triều cường cao lịch sử tại Bình Dương

Vào 17 giờ 35 ngày 17/10, mực nước tại trạm Thủ Dầu Một đã đạt 1,78m, vượt mức báo động 3. Điều này cho thấy, tình hình triều cường và mưa lớn tại Bình Dương đang diễn biến rất phức tạp.
Mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường gây ngập cục bộ. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Ngày 18/10, theo Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương, mực nước triều cường tiếp tục tăng, đạt đỉnh 1,8m, trở thành đỉnh triều cao nhất từng được ghi nhận tại tỉnh.

Trước đó, vào 17 giờ 35 ngày 17/10, mực nước tại trạm Thủ Dầu Một (Cống Bà Lụa) đã đạt 1,78m, vượt mức báo động III (1,6m). Điều này cho thấy, tình hình triều cường và mưa lớn tại Bình Dương đang diễn biến rất phức tạp.

Cùng với triều cường, lượng mưa lớn lên đến 100mm tại một số khu vực như Sở Sao và Phước Hòa trong ngày 17/10 đã gây ra tình trạng ngập nghiêm trọng.

Các tuyến đường giao thông chính và nhiều khu vực đất sản xuất nông nghiệp bị ngập úng. Tại thành phố Thủ Dầu Một, nhiều tuyến đường bị ngập với độ sâu từ 0,05 m đến 0,5 m, gây cản trở giao thông, đặc biệt là tuyến đường Hồ Văn Cống- cửa ngõ vào phường Tương Bình Hiệp.

Tuyến đường này bị ngập sâu, chính quyền phải cử lực lượng đến phong tỏa và cấm các phương tiện di chuyển qua đoạn ngập.

Nước ngập không chỉ ảnh hưởng đến giao thông mà còn gây ra hiện tượng tràn bờ kênh tại khu phố 4, phường Tương Bình Hiệp.

Nước tràn vào khu dân cư, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Cùng với đó, tình trạng ngập lụt cũng xuất hiện tại các khu vực Thuận An và Bến Cát, gây thiệt hại lớn cho dân cư gần bờ kè và bờ rạch.

Ngoài ra, mưa lớn kéo dài đã làm ngập hơn 51,3ha đất sản xuất nông nghiệp tại các phường Tân Vĩnh Hiệp, Tân Phước Khánh và Phú Chánh thuộc thành phố Tân Uyên. Những thiệt hại này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng mà còn gây ra gánh nặng kinh tế cho người dân địa phương.

Trước tình trạng ngập lụt ngày càng gia tăng, việc đẩy nhanh các dự án thoát nước trở thành yêu cầu cấp bách. Các dự án tại những khu vực đô thị lớn như Thủ Dầu Một, Thuận An và Tân Uyên đã được lập kế hoạch triển khai từ nhiều năm trước nhưng tiến độ thực hiện vẫn chưa được đồng bộ, chưa hoàn thành đúng tiến độ.

Theo chuyên gia, các dự án thoát nước cần được ưu tiên trong kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị, không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Trong số đó, đáng chú ý là dự án cải tạo kênh Suối Giữa, hệ thống thoát nước tại Thuận An và Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, các dự án này vẫn đang gặp khó khăn do vướng mắc về bố trí nguồn vốn và quá trình triển khai vẫn còn chậm so với thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt ở Bình Dương.

Trước tình hình mưa lớn và triều cường liên tiếp, các cơ quan chức năng đã đề xuất đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề về thủ tục và thúc đẩy thi công. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình đê bao, bờ kè, nhằm đảm bảo hệ thống thoát nước hoạt động hiệu quả, giảm thiểu tối đa nguy cơ ngập lụt, bảo vệ cuộc sống người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục