Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương vừa thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc (hay còn gọi là ghép tủy) cho bé trai N.N.T.P (4 tuổi, ở Bắc Ninh) bị mắc bệnh suy tủy xương.
Đây là ca ghép tế bào gốc thành công sau 15 năm, kể từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên cho trẻ bị suy tủy xương tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Thành công này không chỉ đem lại cơ hội sống tốt cho bệnh nhi và gia đình mà còn là động lực để các y, bác sỹ tiếp tục thực hiện nhiều ca ghép tế bào gốc khác trong thời gian tới.
[Người nhà tự ý lấy kim chích mụn, 1 trẻ sơ sinh nhiễm trùng huyết nặng]
Mẹ bé P. kể lại, vào tháng 6 năm 2020, thấy con nổi vết bầm tím ở chân nhưng quan sát thấy những vết bầm tím này không giống với những vết bầm do va chạm bình thường gây ra, gia đình rất lo lắng nên đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, con được chẩn đoán mắc bệnh suy tủy xương và phải nhập viện điều trị.
Ngay đợt điều trị đầu tiên, bé P. đã phải nằm viện gần 1 tuần, nhưng khi xuất viện về nhà chưa được 2 tuần thì lại bị nổi những vết bầm tím trên người kèm theo chảy máu chân răng. Gia đình lại đưa bé lên Hà Nội nằm viện. Sau khi nhập viện, các bác sỹ cho biết bệnh của con chỉ có một phương pháp điều trị hiệu quả nhất là ghép tế bào gốc.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Mai Hương - Trưởng khoa Huyết học lâm sàng (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết suy tủy xương là tình trạng giảm sinh các tế bào máu ở tủy xương dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu máu, chảy máu do xuất huyết và sốt do nhiễm trùng. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Nếu không được điều trị kịp thời trẻ có thể tử vong do thiếu máu nặng, xuất huyết não hoặc nhiễm vi khuẩn, virus nặng.
Ghép tế bào gốc tạo máu là một trong những phương pháp điều trị bệnh tiến bộ vượt bậc của nhân loại. Hiện nay, ghép tế bào gốc tạo máu được áp dụng cho các bệnh lý hiểm nghèo không thể điều trị bằng các thuốc thông thường. Nhiều nước trên thế giới sử dụng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu cho bệnh nhân mắc suy tủy xương nặng nếu tìm được người cho phù hợp.
Trường hợp của bé P. may mắn có chị gái phù hợp HLA (HLA là một loại kháng nguyên có trên nhiều loại tế bào người). Ngày 28/10/2020, các bác sỹ đã khẩn trương tiến hành các bước theo đúng quy trình để thực hiện ca ghép tủy cho bé.
Bác sỹ Hương cho hay nhờ quá trình chuẩn bị kỹ trước khi ghép cùng sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa như: Huyết học lâm sàng, huyết học xét nghiệm, ngân hàng máu, hồi sức ngoại, dược… nên quá trình ghép tủy của bệnh nhi đã diễn ra thành công, không gặp các tai biến nặng sau ghép.
Sau ghép tế bào gốc, bệnh nhi được theo dõi đặc biệt chống thải ghép tại khoa Hồi sức Ngoại. Khoảng 1 tháng sau khi nhận được tủy từ người chị ruột, bé P. được chuyển đến Khoa Huyết học Lâm sàng để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Hơn 2 tháng điều trị sau ghép, tủy mới đã phát triển trong cơ thể bệnh nhi đạt đến 73%. Các xét nghiệm cho kết quả trong giới hạn bình thường, trẻ được ra viện trong niềm hạnh phúc của gia đình và các y bác sỹ.
Bác sỹ Hương chia sẻ, ngày 28/4/2021, bệnh nhi tái khám với kết quả xét nghiệm cho thấy tủy mới đã phát triển trong cơ thể đạt đến 76,3%. Điều này có nghĩa là ca ghép tủy của bệnh nhi đã thành công.
Được biết, trước đó bệnh viện cũng đã tiếp nhận và điều trị cho trẻ bị suy tủy xương, có những trường hợp tìm được người cho tủy phù hợp nhưng tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhi diễn ra liên tục, trẻ chưa kịp ghép tủy thì đã tử vong vì nhiễm trùng. Do đó, đối với bệnh nhi suy tủy xương, sau khi có chẩn đoán xác định, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết và tình trạng bệnh nhân cho phép, trẻ cần được tiến hành ghép tủy càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng của truyền máu cũng như các nhiễm trùng nặng có thể xảy ra.
Theo bác sỹ Hương, trẻ mắc bệnh suy tủy xương sau khi được ghép tủy sẽ hoàn toàn khỏi bệnh và có cuộc sống như những trẻ bình thường khác.
Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghép tế bào gốc thành công cho nhiều bệnh nhân Thalasemia, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, bệnh Wiscott-Andrich…/.