Theo chuyên gia của General Elictric, ngành công nghiệp năng lượng đang trải qua sự biến đổi mạnh mẽ và hướng tới sự phát triển theo hướng áp dụng công nghệ xanh, điều này đòi hỏi Việt Nam cần có chính sách đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là các nhà máy điện tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Chia sẻ thêm tại hội thảo "Hệ sinh thái các giải pháp năng lượng cho Việt Nam" do Công ty General Electric (GE) Việt Nam tổ chức ngày 27/4, tại Hà Nội, ông Ander Maltesen, Giám đốc điều hành GE Power đã nêu ra nhiều kinh nghiệm của thế giới mà Việt Nam có thể áp dụng để hướng tới sự phát triển bền vững.
Theo chuyên gia này, thay vì đầu tư nhiều cho nhiệt điện than hoặc khí, Việt Nam có thể ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng xanh). Tuy vậy, với nguồn vốn hạn hẹp, Việt Nam có thể nâng cấp các nhà máy nhiệt điện sẵn có bằng việc áp dụng số hóa để nâng cao hiệu suất vận hành.
Từ thực tế của các nước phát triển, theo ông, việc số hóa sẽ giúp các nhà máy điện khí nâng cao hiệu suất 3% và giảm phát thải khoảng 8% cũng như về lâu dài có thể tiết kiệm cho đất nước khoảng 3 tỷ USD trong những năm tới hoặc tiết kiệm khoảng 1,4 tỷ USD cho các nhà máy điện than.
"Khi kết nối tất cả các thiết bị điện vào số hóa thì có thể tối ưu hóa toàn bộ hệ sinh thái năng lượng và giúp Việt Nam cắt giảm được một lượng lớn khí CO2 gây biến đổi khí hậu," chuyên gia Ander Maltesen nói.
Trong những năm gần đây, tăng trưởng điện của Việt Nam thường ở mức 2 con số và mục tiêu xuyên suốt của ngành điện là đảm bảo đủ điện cho tiêu dùng và sự phát triển của nền kinh tế.
Đáng chú ý, tại quy hoạch điện VII điều chỉnh, mục tiêu phát triển nguồn điện gió và điện mặt trời cũng được đầu tư mạnh mẽ với công suất 6.000 MW với điện gió và 12.000 MW điện mặt trời. Điều này đồng nghĩa, điện gió tăng gần 8 lần và điện mặt trời tăng 15 lần hiện nay.
Để đảm bảo mục tiêu này, ông Phương Hoàng Kim, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành điện cần có sự hỗ trợ về chuyên môn cũng như tài chính và công nghệ từ các bộ, ngành và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Kim cũng khẳng định, các mục tiêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh được đặt ra nhằm thúc đẩy an ninh năng lượng, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, thu hút đầu tư mới và đảm bảo thực hiện các quy chuẩn về môi trường./.