Gen Z với thế mạnh công nghệ: Phát huy tính sáng tạo tại nơi làm việc

Với những thế mạnh vốn có, các nhân tố thuộc thế hệ Z đang phát huy năng lực sáng tạo với những hình thức thể hiện mới mẻ và táo bạo, thể hiện tiềm năng lớn tại môi trường làm việc của mình.

Thế hệ Z (Gen Z) là thuật ngữ được biết đến rộng rãi để định danh nhóm đối tượng sinh ra trong giai đoạn từ giữa thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010 (khoảng từ năm 1995 đến năm 2012).

Với thế mạnh của độ tuổi, phần lớn các thành viên thuộc thế hệ Z đều được tiếp xúc và sử dụng công nghệ ngay từ nhỏ. Cũng bởi vậy, không khó hiểu khi giới trẻ dễ dàng đón nhận các tiện ích công nghệ như Internet và các phương tiện truyền thông xã hội như Google, Facebook, Instagram, TikTok... để ứng dụng trong đời sống.

Trong thời đại khoa học phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thay vì để AI trở thành đối thủ cạnh tranh của mình, thế hệ Z tận dụng sức mạnh của kỹ thuật số và biến các công nghệ trở thành công cụ đắc lực trong quá trình làm việc.

Bắt 'trend' nhanh chóng

Được tiếp xúc với công nghệ và Internet từ sớm là một ưu thế lớn của thế hệ Z. Tận dụng điều này, gen Z trở thành những người tiên phong trong việc nắm bắt các trào lưu, xu hướng mới trong xã hội hiện nay và biến nó thành lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh.

[Gen Z: Thế hệ âu lo trưởng thành từ những áp lực]

"Hầu hết những 'hot trend' của giới trẻ đều được khởi nguồn từ chính các đối tượng gen Z. Tận dụng sức ảnh hưởng của các nhân vật, sự việc nổi tiếng và kết hợp với một số tính năng công nghệ như livestream trên các nền tảng sẽ giúp hiệu quả của quá trình cung cấp thông tin và trao đổi với các khách hàng được nâng cao," Nguyễn Mai Hoa (24 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chuyên viên marketing chia sẻ.

Cũng theo Mai Hoa, các "trend" không tồn tại quá lâu nên giới trẻ cần tận dụng tối đa thời gian đầu khi sự việc, hiện tượng còn đang "nóng." Ngoài ra, gen Z cần nghiên cứu kỹ nhóm đối tượng khách hàng tiếp cận có xu hướng, nhu cầu thị hiếu thế nào để áp dụng những cách tiếp cận, truyền đạt sao cho đạt hiểu quả cao nhất.

Khai thác cách thể hiện mới lạ

Gen Z là những người trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế tại các môi trường làm việc. Tuy nhiên cũng chính vì vậy, gen Z là thế hệ sẵn sàng đề xuất những ý tưởng, dám thực hiện và chấp nhận những rủi ro. Với lợi thế được tiếp cận với các nền tảng số từ nhỏ, gen Z sẽ chủ động hơn trong việc trình bày các ý tưởng qua những phương pháp mới lạ.

Những nhân tố gen Z không ngại trình bày những ý tưởng mới lạ và đột phá. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

"Thay vì trình bày ý tưởng qua các bản thảo đơn giản, em có thể tận dụng các website công cụ như Prezi hay Powtoon - các ứng dụng trình chiếu để tạo nên những bài thuyết trình hấp dẫn, dễ hiểu, gây ấn tượng với các đối tác và khách hàng," Trần Đức Anh (21 tuổi, sinh viên năm thứ tư, khoa Ngôn ngữ Anh, trường Đại học sự phạm Hà Nội) chia sẻ.

Ngoài ra, một lợi thế nữa của gen Z là thế hệ được tiếp xúc với ngôn ngữ và nền văn hóa của nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Từ đó, gen Z sẽ tiếp cận và học hỏi những sáng tạo mới mẻ để bổ sung những kỹ năng phù hợp với các công việc của mình.

Linh hoạt trong môi trường làm việc

Một trong những đặc trưng của gen Z là tính thích ứng cao và không ngại dịch chuyển. Bởi vậy, thế hệ Z sẵn sàng làm việc trong nhiều điều kiện môi trường để đáp ứng hiệu quả của công việc.

Xu hướng "làm việc từ xa" hay làm việc tại nhà không còn quá xa lạ với những người trẻ. Bắt đầu nở rộ từ trong giai đoạn giãn cách xã hội, làm việc từ xa dần trở thành một mô hình hiệu quả và được nhiều đơn vị, doanh nghiệp áp dụng.

Đánh giá về mô hình này, chị Trần Thanh Mai, trưởng phòng kinh doanh Công ty dịch vụ du lịch Nguyễn Gia (15 Nguyễn Khắc Nhu, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Trong tương lai, những nhân tố Z ưa xê dịch sẽ là lực lượng lao động chính. Bởi vậy, việc linh hoạt trong môi trường làm việc sẽ mang đến những hiệu quả nhất định. Các nhà đầu tư, nhà tuyển dụng có thể đánh giá nhân viên bằng kết quả; đầu tư các công cụ, phương tiện như viễn thông để phát huy thế mạnh khi làm việc từ xa."

Trao đổi kiến thức qua nhiều kênh

Một điểm chung của hầu hết thành viên thuộc thế hệ Z là các bạn đặc biệt yêu thích việc học tập và làm việc qua hình thức video. Được tiếp cận vấn đề bằng những hình ảnh trực quan và phản hồi, tương tác bằng nhiều giác quan là những điểm thu hút gen Z trau dồi kiến thức qua nền tảng số.

Những thành viên thế hệ Z đặc biệt yêu thích hình thức học tập và làm việc trực tuyến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Học tập và làm việc trực tuyến giúp em tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và chi phí hơn so với hình thức truyền thống. Ngoài ra, các nền tảng công nghệ khác như Whiteboard, Room... cũng là công cụ để em sáng tạo những content mang thương hiệu cá nhân," Lại Minh Tâm (24 tuổi, sinh viên trường Đại học Xây dựng, Hà Nội) chia sẻ.

Có thể nói, với những thế mạnh sẵn có, những nhân tố của thế hệ Z hứa hẹn sẽ là lực lượng lao động chủ chốt của các đơn vị, doanh nghiệp trong tương lai không xa. Việc tạo cho thế hệ trẻ một môi trường phù hợp sẽ giúp các em phát huy những ý tưởng sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả tại các cơ quan làm việc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục