Gen Z thay đổi thói quen mua sắm theo xu hướng chữa lành, chiều chuộng bản thân

Những người trẻ thuộc Gen Z ngày nay có xu hướng mua sắm những sản phẩm mang tính chữa lành, giúp họ cảm thấy vui vẻ, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực mà họ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.
Giới trẻ ngày nay có xu hướng lựa chọn sản phẩm dựa trên giá trị cảm xúc mà nó mang lại. (Nguồn: Bloomberg)

Năm 2024 có thể chứng kiến ​​sự thay đổi với những người tiêu dùng thuộc thế hệ Z (Gen Z - những người được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012). Theo báo cáo thường niên do Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc công bố, mức hiệu quả về chi phí không nhất thiết là động lực thúc đẩy việc ra quyết định mua sắm với thế hệ Z.

Thay vào đó, giải tỏa cảm xúc sẽ trở thành yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của thế hệ trẻ này.

Các chuyên gia cho biết những người trẻ đang chi nhiều tiền hơn để chiều chuộng bản thân và xu hướng mới này được dự báo ​​sẽ còn tăng trưởng hơn nữa.

Báo cáo cho biết ngày càng có nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho giá trị cảm xúc và khía cạnh này dự kiến ​​sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới trong tương lai.

Lấy các nền tảng mua sắm trực tuyến làm ví dụ. Doanh số bán một quả bóng đồ chơi hình thỏ giảm căng thẳng có giá khoảng 18.000 VNĐ tại Trung Quốc đã vượt mốc 100.000 trong năm nay, trong khi các mẫu áo phông có nội dung xoa dịu cảm xúc cũng trở nên thịnh hành.

"Túi mù" đang trở thành sản phẩm thịnh hành đối với giới trẻ. (Nguồn: Global Times)

Điều hoàn toàn khác biệt so với nhu cầu tiêu dùng trước đây khi những sản phẩm này có thể không có công dụng thực tế và một số thậm chí còn là sản phẩm ảo.

Một mặt hàng trên nền tảng Taobao của Alibaba có tên "Bộ não của Einstein" đã trở thành một trong 10 sản phẩm bán chạy nhất năm 2023.

Là một sản phẩm ảo, sau khi chi một vài chục nghìn, khách hàng có thể ngay lập tức sử dụng mặt hàng "tăng cường trí thông minh" này để tự cổ vũ bản thân.

Rõ ràng, những gì người tiêu dùng trẻ theo đuổi không chỉ đơn thuần là một mặt hàng. Thay vào đó, họ tìm kiếm thứ gì để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực mà họ cảm thấy trong cuộc sống hàng ngày.

Khi thế hệ Z trở thành nhóm nhân khẩu học chính trong số những người tiêu dùng, họ mang đến nhu cầu mạnh mẽ hơn về sự thỏa mãn cảm xúc và niềm vui tinh thần.

Lu Yanxia, ​​chuyên gia về tâm lý động lực và cảm xúc, chia sẻ việc mua các mặt hàng để làm hài lòng bản thân là một lối sống lành mạnh.

Li Wei, một người tiêu dùng trẻ, chia sẻ cô thích mua một số đồ ăn nhẹ hoặc gọi một số món ăn yêu thích để làm bản thân vui vẻ.

Zhao Weihua, Giáo sư xã hội học tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh, cho biết bà thấy xu hướng mới phản ánh các lựa chọn phong phú của thời đại ngày nay và do đó, người tiêu dùng trẻ đang để mắt đến sự mới lạ, thú vị và những thứ khiến họ cảm thấy thoải mái.

Cao Lei, Giám đốc thương mại điện tử tại Viện Kinh tế Internet, nhận định những mặt hàng mới lạ này phản ánh nhu cầu của những người trẻ đối với những thứ mang lại giá trị cảm xúc, vì cuộc sống hiện đại với nhịp độ nhanh ngày nay đầy rẫy sự lo lắng và căng thẳng.

Trò chơi hình thỏ giúp giảm căng thẳng là một trong những mặt hàng bán chạy nhất trên các nền tảng mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc. (Nguồn: Aliexpress)

Mọi người quan tâm nhiều hơn đến việc tự chăm sóc và thỏa mãn cảm xúc. Do đó, một nền kinh tế cảm xúc nhấn mạnh vào việc chữa lành và làm hài lòng bản thân đã xuất hiện.

Xu hướng mới này đã tạo ra những kịch bản tiêu dùng mới như thu thập hộp bí ẩn hay "túi mù", trồng cây và đồ chơi bóng giảm căng thẳng.

Gen Z đang chú ý nhiều hơn đến cảm giác tinh thần và họ thích tự thưởng cho mình. Xã hội đang trở nên cá nhân hóa hơn, đồng thời hàng hóa cũng trở nên đa dạng hơn.

Cùng với xu hướng này, nhiều cư dân mạng dường như nhiệt tình hơn với đồ trang điểm. Với những khách hàng trẻ, trước đây, trang điểm chủ yếu là để người khác nhìn thấy, nhưng trong những năm gần đây, họ quan tâm nhiều hơn đến việc làm cho bản thân cảm thấy hạnh phúc.

Ngoài ra, những người tiêu dùng muốn chữa lành cũng hoàn toàn khác biệt so với những người tiêu dùng bốc đồng.

Việc tự nuông chiều bản thân mang tính cá nhân hơn, với mục đích khiến bản thân hạnh phúc, thoải mái và hài lòng hơn. Ví dụ, đó có thể là một cuốn sách mà họ muốn đọc hoặc một tấm vé xem hòa nhạc, tất cả những thứ này đều liên quan đến việc tận hưởng cuộc sống, trong khi mua sắm “bốc đồng” liên quan đến việc đưa ra quyết định vào phút chót, mà không cân nhắc đến nhu cầu thực tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục