Gen Z ở Mỹ rửa tay từ 10 đến 20 lần một ngày: Liệu có phải là bệnh?

Theo khảo sát của College Rover, 47% số người được hỏi nói rằng họ rửa tay từ 5 đến 10 lần một ngày, và 32%, tức gần 1/3 số người được hỏi, cho biết họ rửa tay từ 11 đến 20 lần mỗi ngày.

Sau đại dịch, mọi người hình thành thói quen rửa tay thường xuyên. (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Leonardo.Ai)
Sau đại dịch, mọi người hình thành thói quen rửa tay thường xuyên. (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Leonardo.Ai)

Theo một cuộc khảo sát mới, thói quen hình thành trong thời đại dịch mà Gen Z không muốn từ bỏ chính là rửa tay thường xuyên.

Tờ New York Daily Post đưa tin: “Gần một nửa Gen Z là những người sợ vi khuẩn và họ rửa tay từ 10 lần trở lên mỗi ngày.”

Đây là kết quả của cuộc khảo sát được thực hiện bởi College Rover, với hơn 1.000 người Mỹ trong độ tuổi học đại học tham gia.

Theo khảo sát, trong khi 47% số người được hỏi nói rằng họ rửa tay từ 5 đến 10 lần một ngày, thì có tới 32%, tức gần 1/3 số người được hỏi, rửa tay từ 11 đến 20 lần mỗi ngày.

Rửa tay là thói quen tốt

Katrine Wallace, nhà dịch tễ học và giảng viên tại Trường Y tế Công cộng, Đại học Illinois tại Chicago, cho rằng rửa tay hơn 10 lần một ngày không phải là điều gì đáng báo động.

Cô nói với HuffPost: “Tôi không hiểu tại sao rửa tay 5-10 lần một ngày lại là cảnh báo nguy hiểm đối với mọi người. Có nhiều tình huống bạn chắc chắn nên rửa tay bất kể tần suất.”

Theo Wallace, danh sách các tình huống cần rửa tay là: trước khi nấu ăn, trước khi ăn, khi chăm sóc người bị nôn mửa hoặc tiêu chảy, trước khi chăm sóc vết thương , sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã, sau khi xì mũi hoặc hắt hơi, sau khi chạm vào động vật, sau khi chạm vào rác...

Nói một cách đơn giản, việc rửa tay được quyết định bởi hoàn cảnh.

Cô nói thêm: “Rửa tay bằng xà phòng là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi bị bệnh. Nó cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu chảy.”

"Thực sự không có gì phải lo lắng về việc rửa tay quá nhiều," William Schaffner, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, cho biết.

Ông nói với HuffPost: “Hãy nhớ rằng trong ngành y tế, chúng tôi vệ sinh tay hàng chục lần mỗi ngày sau các hoạt động chăm sóc bệnh nhân thông thường. Dù sao đi nữa, tôi rất vui vì Gen Z đã có được thói quen tốt từ sau đại dịch. Những thói quen này sẽ giúp bảo vệ họ và gia đình họ."

Ông nói thêm: “Tôi không quá bận tâm đến những người hay rửa tay nhưng lại lo ngại về việc nhiều người không chịu rửa tay.”

Một nghiên cứu trước đại dịch được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ trích dẫn cho thấy 69% số nam giới được hỏi không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

Lynora Saxinger, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Alberta ở Edmonton, Canada, cho biết mối lo ngại duy nhất về mặt thể chất khi rửa tay thường xuyên là nó có thể loại bỏ lớp dầu tự nhiên trên da, khiến da bị khô và nứt nẻ.

rua-tay-7927.jpg
Rửa tay là một thói quen tốt. (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator)

Cô nói với HuffPost: “Khi mất đi lượng dầu tự nhiên, cơ thể sẽ mất đi chức năng rào cản của da và bạn có thể có làn da rất khô hoặc thậm chí bị kích ứng, viêm da."

Chúng ta có thể ngăn ngừa việc da tay nứt nẻ bằng cách sử dụng các loại kem làm mềm da tay và kem dưỡng ẩm - những sản phẩm giúp bao phủ da bằng một lớp màng bảo vệ để giữ độ ẩm.

Khi nào thì việc rửa tay thường xuyên là dấu hiệu của điều gì đó đáng lo ngại?

Việc lo lắng quá mức về sự sạch sẽ, lo sợ bị mắc bệnh và rửa tay liên tục có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), nhưng nó khác với việc rửa tay thường xuyên về nhiều mặt, Shanna Kramer, nhà trị liệu chuyên điều trị OCD và rối loạn lo âu, cho biết.

Bà nói: “Việc rửa tay chỉ trở thành vấn đề khi suy nghĩ và hành vi về vấn đề này gây rối loạn cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chứng sợ vi khuẩn là có thật và được định nghĩa là nỗi sợ hãi cực độ và "vô cùng phi lý" đối với bụi bẩn hoặc ô nhiễm.”

Kramer cho biết những người trải qua nỗi sợ hãi hoặc lo lắng quá mức về “điều sẽ xảy ra” trong tương lai đi kèm với các hành vi lặp đi lặp lại với mong muốn cố gắng giải quyết việc đó cho thấy có thể họ đã mắc chứng OCD.

Theo Kramer, những lo lắng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của một người, có thể dẫn đến sự cô lập với xã hội, chứng sợ khoảng rộng, trầm cảm và xung đột với gia đình. Họ có thể có một bàn tay bị nứt nẻ hoặc chảy máu, da khô hoặc bong tróc quá mức, thậm chí còn bị nhiễm trùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục