Gen liên quan chứng sốt co giật ở trẻ sau khi tiêm vắcxin 3 trong 1

Các nhà khoa học Đan Mạch cho biết họ đã tìm ra manh mối di truyền học có thể giải thích hiện tượng sốt cao kèm co giật ở một số ít trẻ em sau khi được tiêm vắcxin tổng hợp sởi, quai bị và rubella.
Ảnh minh họa. (Nguồn: bbc.com)

Trong báo cáo đăng trên tạp chí Nature Genetics ngày 26/10, các nhà khoa học Đan Mạch cho biết họ đã tìm ra các manh mối di truyền học có thể giải thích hiện tượng sốt cao kèm co giật ở một số ít trẻ em sau khi được tiêm vắcxin tổng hợp sởi, quai bị và rubella (MMR).

Sốt co giật sau tiêm vắcxin MMR là hiện tượng trẻ bị sốt cao, hôn mê và co giật, cơn co giật thường kéo dài khoảng 1 hoặc 2 phút, song không gây nguy hiểm.

Các nhà khoa học đã tìm ra hai biến thể gen có thể khiến nguy cơ sốt co giật ở trẻ tăng cao trong tuần thứ hai kể từ khi tiêm vắcxin MMR.

Hai biến thể gen này nằm trong chuỗi gen có vai trò quan trọng trong việc quy định các phản ứng của hệ miễn dịch khi có những virus xâm nhập.

Tỷ lệ trẻ bị co giật sau khi được tiêm vắcxin tổng hợp MMR là 1/1.000 trẻ.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy 4 loại biến thể gen khác có liên quan tới sốt co giật nói chung, song không liên quan tới MMR.

Bốn biến thể gen này nằm trên chuỗi gen giúp điều khiển các đường ion, một kênh liên lạc quan trọng giữa các tế bào thần kinh. Nhóm trẻ em có số lượng 4 gen này nhiều nhất sẽ có nguy cơ bị sốt co giật cao gấp 4 lần so với nhóm có số lượng 4 gen này ít nhất.

Tuy nhiên các nhà khoa học cũng cho biết 6 biến thể gen trên mới chỉ lý giải một phần nhỏ các nguyên nhân về mặt di truyền học dẫn tới sốt co giật.

Hơn nữa, nghiên cứu trên cũng mới chỉ được tiến hành với trẻ em Đan Mạch nên vẫn chưa thể kết luận liệu trẻ ở các khu vực khác có cùng nguy cơ và cấp độ sốt co giật như vậy không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục