Geleximco bị Tòa án Quảng Ninh triệu tập với tư cách có liên quan đến vụ kiện TLCC (Ảnh: Geleximco)
Thời gian vừa qua, Vietnam+ đã nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Thành Tô (Việt Kiều Ba Lan, trú tại khu đô thị The Manor, Hà Nội) phản ánh những tranh chấp trong quá trình chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long (TLCC).
Cụ thể, theo phản ánh của ông Tô, vào ngày 9/4/2002, qua mối quan hệ bạn bè, ông đã ký với Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) một bản “Hợp đồng chuyển nhượng”. Theo hợp đồng này, Geleximco đồng ý nhượng cho ông Tô 2% vốn điều lệ trong số 40% vốn điều lệ mà công ty này đã đăng ký mua trên tổng số vốn điều lệ của TLCC, 16.000 cổ phần phổ thông và 24.000 cổ phần ưu đãi (mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần). Giá trị toàn bộ số cổ phần trên tương đương 4 tỷ đồng.
Cũng theo những điều khoản quy định tại Hợp đồng chuyển nhượng trên, ông Nguyễn Thành Tô sẽ được hưởng các quyền lợi, lợi ích cũng như có trách nhiệm, nghĩa vụ tại TLCC được quy định tại Điều lệ và Quy chế hoạt động của TLCC.
“Ngay trong ngày ký hợp đồng, tôi đã trả cho Geleximco số tiền 500 triệu đồng là tiền nhận chuyển nhượng cổ phần,” ông Tô cho hay.
Phiếu thu ngày 9/4/2002 cũng ghi nhận lại việc ông Tô đã hoàn thành một phần nghĩa vụ tài chính với Geleximco dưới sự xác nhận của ông Vũ Văn Tiền là Tổng Giám đốc Geleximco đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của TLCC vào thời điểm đó.
Đến khoảng năm 2007, vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của đại gia ngành ximăng này cho ông Tô hay: TLCC sẽ tăng vốn điều lệ vào đầu năm 2008 và yêu cầu ông Tô trả thêm 2 tỷ đồng để mua cổ phần phát hành thêm của TLCC nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu 2% vốn điều lệ của TLCC. Vì vậy, ngày 29/3/2007 ông Tô đã trả cho Geleximco đợt thứ hai số tiền 2,3 tỷ đồng và ngày 13/6/2007 ông Tô tiếp tục nộp đợt thứ ba số tiền 3,2 tỷ đồng.
Trên cơ sở khách hàng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, ngày 26/11/2007, phía Geleximco đã có văn bản xác nhận ông Tô thanh toán cho công ty này đợt hai và đợt ba số tiền là 5,5 tỷ đồng để mua lại “cổ phần Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long theo hợp đồng chuyển nhượng lập ngày 9/4/2002.”
Như vậy, tổng số tiền mà ông Tô đã bỏ ra để được “nhận” 2% vốn điều lệ từ Geleximco trong vòng 6 năm là 6 tỷ đồng. Những tưởng lúc này, khách hàng sẽ được nhận ngay toàn bộ quyền lợi của mình, thế nhưng, phải đến tận gần 4 năm sau, cụ thể là ngày 28/6/2011, ông Tô mới nhận được Giấy Chứng nhận Sở hữu Cổ phần số 01/HĐQT/2011 do Geleximco cấp. Tiếp đó, đến ngày 24/9/2013, TLCC mới cấp Giấy Chứng nhận Sở hữu Cổ phần số 05/GCN/TLCC cho ông Tô do Tổng Giám đốc Johan Samudra Bustanny ký.
Theo nội dung cả hai Giấy chứng nhận Sở hữu cổ phần nêu trên, ông Tô được TLCC xác nhận rằng ông sở hữu số cổ phần tương đương với tổng mệnh giá là 4 tỷ đồng.
Theo quan điểm của ông Tô, như vậy, phía Geleximco đã chiếm dụng trái phép số tiền 2 tỷ đồng của ông suốt từ năm 2007 cho tới nay, bởi ông đã phải bỏ ra 6 tỷ đồng cuối cùng chỉ được nhận về số cổ phần tương đương 4 tỷ đồng. Bản thân vị khách hàng này cũng cho hay đã yêu cầu phía đối tác phải giải thích và hoàn trả vô điều kiện khoản tiền trên cùng với lãi phát sinh nhưng không nhận đuợc câu trả lời.
Về vấn đề này, đại diện phía Geleximco bước đầu cho hay, phía công ty này đã nhận được kiến nghị từ phía ông Tô. Tuy nhiên, theo ý kiến của phía bị đơn, bản hợp đồng mua bán ban đầu năm 2002 ký kết giữa hai bên có ghi rõ nội dung chuyển nhượng tương đương với 40.000 cổ phần với giá 100.000/cổ phần.
“Tuy vậy, giữa hai bên đều ngầm hiểu ông Tô đã mua cổ phần với giá 1.5 [Tương đương 150.000 đồng/cổ phần-PV],” vị đại diện Geleximco nói.
Theo phía công ty này, chính vì có sự “ngầm hiểu” như vậy nên mới phát sinh việc ông Tô nộp 6 tỷ đồng cho 40.000 cổ phần theo hợp đồng năm 2002. Mặc dù vậy, khi phóng viên đưa ra câu hỏi: Liệu phía Geleximco có cung cấp được những chứng từ khẳng định cổ đông từ Ba Lan đã mua với giá 1.5 không thì vị đại diện lại cho biết, phía công ty không có bất cứ một giấy tờ nào liên quan tới việc này mà chỉ thỏa thuận bằng miệng.
Ngay bản thân trong Hợp đồng năm 2002, tại điều 1.4 cũng ghi rõ: Vốn chuyển nhượng có nghĩa 2% vốn điều lệ mà Bên A [Geleximco-PV] đã đăng ký vào công ty cổ phần xi măng Thăng Long theo hình thức tiền mặt, tương đương 4 tỷ đồng chẵn. Tiếp đó, trong điều 4.2 quy định về quyền và nghĩa vụ bên mua có ghi: Bên B[Ông Nguyễn Thành Tô-PV] có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ số tiền góp vốn tương đường 2% vốn điều lệ công ty cổ phần xi măng Thăng Long để thanh toán cho bên A theo điều 1.4
Luật sư Vũ Thị Thu Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: việc Geleximco cho rằng đã có thỏa thuận ngầm về mức giá 150.000 đồng/cổ phần đối với hợp đồng năm 2002 là không có cơ sở bởi trong tất cả các văn bản, giấy tờ có liên quan đều không thể hiện điều này.
"Tất cả mức giá, số lượng cổ phần cũng như các khoản thu đều đã được 'hồ sơ hóa' trên các văn bản có liên quan suốt từ năm 2002 đến khi ông Tô được cấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần. Mức giá trong các hợp đồng và chứng nhận đều chỉ là 4 tỷ đồng, chênh lệch hẳn so với số tiền Geleximco đã thu trong 3 đợt," luật sư Hà nêu quan điểm.
Vì vậy, theo luật sư Hà, ông Nguyễn Thành Tô hoàn toàn có cơ sở pháp lý để chứng minh việc Geleximco đã chiếm dụng số tiền chênh lệch kể trên.
Liên quan đến vụ việc, vừa qua, ông Tô đã có đơn khởi kiện đối với Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long lên Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, trong đó có nội dung “tố” những sai phạm từ phía Geleximco.
Trên cơ sở đơn khởi kiện này, ngày 17/4 vừa qua, Chánh tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Vương đã có văn bản số 86/TBTL-TA gửi Viện Kiểm soát nhân dân tỉnh Quảng Ninh xác nhận thụ lý vụ việc.
Geleximco được biết đến như một tập đoàn lớn, đầu tư trong 4 ngành chính là sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính ngân hàng và giáo dục. Tên tuổi của Geleximco gắn liền với các dự án bất động sản với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như Dự án khu đô thị mới Dầu khí-Geleximco, dự án khu đô thị mới Lê Trọng Tấn…
Bên cạnh đó, Geleximco chính là cổ đông sáng lập của Xi măng Thăng Long. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, Geleximco quyết định bán 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long cho tập đoàn Semen Gresik (Indonesia). Sự tham gia của Semen Indonesia đã đưa vốn điều lệ của Xi măng Thăng Long từ 1.750 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.
Vietnam+ sẽ tiếp tục cập nhật./.