GDP quý 1 tăng 6,79%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018

Sáng nay, ngày 29/3, Tổng cục Thống kê đã công bố tổng sản phẩm trong nước - GDP quý 1 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ và thấp hơn mức tăng trưởng của quý 1/2018.
GDP quý 1 tăng 6,79% so với cùng kỳ và thấp hơn mức tăng trưởng của quý 1/2018. (Ảnh minh họa. Nguồn: Minh Sơn/vietnam+)
GDP quý 1 tăng 6,79% so với cùng kỳ và thấp hơn mức tăng trưởng của quý 1/2018. (Ảnh minh họa. Nguồn: Minh Sơn/vietnam+)

Theo Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng Ba và quý 1 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mức tăng trưởng GDP của quý 1 năm nay mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (7,45%) song vẫn là mức cao nhất của giai đoạn 2011-2017.

[Các mặt hàng thực phẩm đồng loạt xuống giá, CPI tháng Ba giảm 0,21%]

Theo nhóm tác giả thực hiện Báo cáo, kết quả trên khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%, khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%.

Về cơ cấu nền kinh tế quý 1, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,16%, công nghiệp và xây dựng chiếm 35,25% và khu vực dịch vụ chiếm tới 44,04%, bên cạnh đó thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,55% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm ngoái là 10,35%; 35,31%; 43,72%; 10,62%).

Trên góc độ sử dụng GDP quý 1, mức tiêu dùng cuối cùng đã tăng 7,09% so với cùng kỳ đồng thời mức tích lũy tài sản cũng tăng 6,2%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,81% và nhập khẩu tăng 8,7%.

GDP quý 1 tăng 6,79%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 ảnh 1(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)

Nhóm tác giả đưa ra phân tích, những tháng đầu năm, kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Minh chứng từ các hoạt động thương mại và đầu tư thế giới đã giảm, bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc.

Trên thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế, lãi suất có xu hướng tăng cùng các biến động khó lường, giá dầu có diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Thêm vào đó, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch gia tăng cùng với những thay đổi về địa chính trị đang trở thành các thách thức đối với kinh tế thế giới nói chung và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia này cho rằng, "nhờ những thuận lợi từ các kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2018, nền kinh tế trong nước tiếp tục có những bước chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Song, bên cạnh đó nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với dấu hiệu tăng trưởng chậm lại tại một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục