Theo con số được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 tăng 4,48% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý 1/2020.
Đánh giá từ ngành thống kê cho thấy dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương (từ cuối tháng Một đến đầu tháng Ba) đã ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế-xã hội cả nước. Song, kết quả tăng trưởng quý 1 cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực từ các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp. Như vậy, mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế” tiếp tục thực hiện hiệu quả.
Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96% và khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,70%.
Về khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước nhờ vào năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, do đó sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá. Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng.
Phân theo khu vực, ngành nông nghiệp có mức tăng 3,19%, chỉ thấp hơn mức tăng của quý 1 các năm 2011 và 2018 (trong giai đoạn 2011-2021) và làm tăng 0,29 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp tăng 3,78% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm. Ngoài ra, ngành thủy sản đã tăng 2,90% và cao hơn mức tăng 2,79% của cùng kỳ năm, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.
Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có mức tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý 1/2020 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,45% của quý 1/2018 và 9% của quý 1/2019, đóng góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 8,24%, làm giảm 0,36 điểm phần trăm do sản lượng dầu thô khai thác giảm 11% và khí đốt tự nhiên giảm 16,1%. Bên cạnh đó, ngành xây dựng tăng 5,17%, cao hơn mức tăng 4,37% của quý 1/2020, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.
Về khu vực dịch vụ, nhờ dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ nên vẫn có mức tăng trưởng tích cực. Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết. Kết quả, một số ngành dịch vụ thị trường có đóng góp tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý 1, như bán buôn và bán lẻ tăng 6,45% so với cùng kỳ, ngành dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,67 điểm phần trăm), hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,35%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm, ngành vận tải, kho bãi giảm 2,17%, làm giảm 0,15 điểm phần trăm và ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,49%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.
Như vậy, nhìn chung về cơ cấu nền kinh tế trong quý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,71%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,45%, khu vực dịch vụ chiếm 42,20%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,64% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là 11,66%; 35,86%; 42,82%; 9,66%).
Trên góc độ sử dụng GDP của quý, báo cáo cho biết mức tiêu dùng cuối cùng tăng 4,59% so với cùng kỳ năm 2020 và tích lũy tài sản tăng 4,08%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,01% và nhập khẩu hàng hóa-dịch vụ tăng 16,38%./.