GDP lùi 1,4%, kinh tế Mỹ suy giảm lần đầu tiên trong gần hai năm

Lạm phát cao kỷ lục trong bối cảnh giá nhiên liệu và một số hàng hóa gia tăng do khủng hoảng Ukraine và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, làm gia tăng quan ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
GDP lùi 1,4%, kinh tế Mỹ suy giảm lần đầu tiên trong gần hai năm ảnh 1Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York (Mỹ) ngày 26/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Số liệu công bố ngày 28/4 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý 1 năm 2022 đã giảm 1,4% do sự lây lan mạnh của biến thể Omicron gây đại dịch COVID-19 và chính phủ cắt giảm chi tiêu, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, đây là lần đầu tiên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới sụt giảm kể từ khi dịch COVID-19 hoành hành tại nước này trong gần hai năm qua.

Mức tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 1 năm 2022 thấp hơn so với mức tăng nhẹ mà giới chuyên gia dự báo trước đó, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 6,9% trong quý 4 năm 2021.

Nước Mỹ đang phải đối mặt với mức lạm phát cao kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu cùng một số hàng hóa gia tăng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn.

Những yếu tố này làm gia tăng quan ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào đợt suy thoái.

[Chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc đáng kể trong quý 1]

Bộ Thương mại Mỹ nói rõ việc GDP giảm là hậu quả của nhiều yếu tố như đầu tư tư nhân suy giảm, chi tiêu chính phủ và xuất khẩu giảm trong khi nhập khẩu lại tăng.

Hàng hóa lâu bền đã thúc đẩy việc nhập khẩu tăng trong khi đó thống kê của bộ trên cho thấy đầu tư tư nhân chủ yếu tập trung vào hàng hóa bán buôn, đặc biệt các loại xe có động cơ vốn bị ảnh hưởng do thiếu nguồn cung chất bán dẫn trên toàn cầu.

Bộ Thương mại Mỹ cũng nêu rõ xuất khẩu hàng hóa không bền đã giảm, trong khi dịch vụ kinh doanh, đặc biệt là dịch vụ tài chính, lại gia tăng.

Chi tiêu chính phủ bị cắt giảm xuất phát từ việc chi tiêu ngân sách quốc phòng bị hạn chế cũng như một số chương trình an sinh xã hội của chính phủ hết hiệu lực, trong đó có tín dụng thuế trẻ em vốn cung cấp khoản thanh toán cho các gia đình có trẻ nhỏ.

Trong một báo cáo riêng công bố cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ nhận định thị trường lao động nước này đang tiếp tục xu hướng tích cực khi đơn trợ cấp thất nghiệp hằng tuần giảm.

Theo bộ trên, số người nộp đơn trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 23/4 đã giảm 5.000 trường hợp, xuống còn 180.000 trường hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục