Gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thể bị xử phạt 10 năm tù

Tới đây, các hành vi xả nước thải, khí, bụi có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có thể sẽ bị phạt 10 năm tù, hoặc phạt tiền từ 1 tỷ đến 10 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tới đây, các hành vi xả nước thải, khí, bụi có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; đổ, thải chất rắn có chứa chất phóng xạ, gây ô nhiễm môi trường; phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia… có thể sẽ bị phạt 10 năm tù, hoặc phạt tiền lên đến 10 tỷ đồng đối với tổ chức và cá nhân vi phạm.

Đây là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo về tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đang được thảo luận tại Hội thảo tội phạm về môi trường, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 19/10, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, những năm qua, các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường ở Việt Nam đang diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, khó kiểm soát. Trong khi đó, các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự còn thiếu tính khả thi, chưa thực sự hiệu quả, thậm chí, nhiều tội danh vi phạm còn chưa từng được áp dụng để xử lý.

Ở khía cạnh lý luận, theo đại diện Vụ Pháp chế, tội phạm môi trường hiện nay chủ yếu được xác định là “trật tự quản lý hành chính nhà nước về môi trường.” Cách xác định này, ngoài việc không thể hiện đúng bản chất quan hệ xẽ hội cần được bảo vệ còn dẫn đến một thực tế là pháp luật hành chính trong một số trường hợp có thể bị vô hiệu hóa pháp luật hình sự, cũng như tạo kẽ hở cho để các tổ chức, cá nhân lách luật, gây thiệt hại đến môi trường.

Vì thế, đại diện Vụ Pháp chế kiến nghị cần phân loại tội phạm cũng như tăng nặng hình phạt và đa dạng hóa các loại hình phạt. Ngoài ra, cần áp dụng hình phạt đối với pháp nhân, đa dạng hóa nguồn luật, cần có hướng dẫn mức độ “nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng”...

Trong khi đó, bình luận về quy định xử phạt tội phạm môi trường của dự thảo, giáo sư tiến sĩ Lê Hồng Hạnh cho rằng, với quy định xử lý hình sự từ 12.000 m3/ngày đêm thì số cơ sở thuộc diện bị xử lý rất ít, trong khi đó, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường lớn lại thuộc số những cơ sở có lưu lượng xả thải trung bình. Do vậy, để mức xử lý từ 12.000 m3/ngày là không hợp lý.

“Như trường hợp công ty Hào Dương ở Thành phố Hồ Chí Minh xả thải vượt hành chính 6,3 tỷ đồng, tái phạm nhiều lần với tính chất nghiêm trọng, gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội và môi trường. Nếu theo quy định tại dự thảo này thì sẽ không xử lý hình sự được vì lượng xả thải của công ty chỉ đạt khoảng 1.500m3/ngày đêm,” Giáo sư Lê Hồng Hạnh chia sẻ.

Ở một góc độ khác, đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao cũng nhận định, nếu theo mức xử phạt hành chính hiện nay đối với lượng nước thải từ 12.000 đến 20.000m3/ngày là quá cao so với quy định xử lý hình sự, bởi trong thực tiễn sẽ không có doanh nghiệp nào xả thải với mức độ lớn như vậy. 

“Vì vậy, để vừa có thể xử phạt hành chính và hình sự đối với tội phạm về môi trường thì chúng ta cần phải cắt giảm xử phạt hành chính, và tăng xử lý hình sự đối với các trường hợp có mức xả phải thấp hơn,” đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao nói.

Trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, chế tài sẽ không còn nhẹ khi được luật hóa vào các bộ luật có liên quan. Theo đó, tội phạm về môi trường sắp tới cũng sẽ được xử lý hình sự khi bộ Luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.

Ông Nhân cũng lưu ý, việc nghiên cứu về lý luận và thực tiễn đối với các quy định về tội phạm môi trường của bộ Luật Hình sự là rất cần thiết nhằm đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục