GAVI phân bổ 2,7 tỷ USD còn lại của chương trình COVAX

Trong số 2,7 tỷ USD còn lại, GAVI sẽ trích một phần để mua vaccine phòng các biến thể virus SARS-CoV-2, và phần lớn hơn sẽ hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Lô vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế COVAX được chuyển tới sân bay quốc tế Phnom Penh, ngày 2/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) ngày 27/6 cho biết Hội đồng quản trị Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đã nhất trí về cách thức phân bổ số tiền còn lại 2,7 tỷ USD của Cơ chế Tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19 (COVAX).

Sáng kiến COVAX là một kế hoạch toàn cầu nhằm phân bổ công bằng các loại vaccine phòng COVID-19.

Sáng kiến do GAVI, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh đổi mới sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) cùng điều hành. Đức là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho sáng kiến này.

Kể từ khi phát động, sáng kiến COVAX đã huy động được 12,5 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2022.

Với khoản tài chính này, COVAX đã thu mua và phân bổ 1,96 tỷ liều vaccine tới 146 quốc gia đang phát triển và mới nổi, đồng thời hỗ trợ các cơ quan y tế ở các nước trong việc tiêm chủng.

[GAVI: Tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19]

Một người phát ngôn của BMZ cho biết với số tiền 2,7 tỷ USD còn lại, GAVI quyết định sẽ phân bổ 813 triệu USD trong hai năm tới để mua các vaccine được điều chỉnh phù hợp với các biến thể virus SARS-CoV-2.

Số vaccine này sẽ được cung cấp cho cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương ở các nước đang phát triển. Điều này góp phần đảm bảo sẽ không phát sinh biến thể virus mới và nguy hiểm do tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng không đầy đủ.

Gần 1,9 tỷ USD còn lại sẽ được phân bổ giúp hệ thống y tế ở các nước nghèo được trang bị tốt hơn để chuẩn bị cho các làn sóng lây nhiễm hoặc các đại dịch trong tương lai.

Để đảm bảo tiếp cận vaccine trên toàn cầu công bằng hơn, việc thúc đẩy sản xuất vaccine ở châu Phi đang được xem xét. Ngoài ra, một phần tiền cũng có thể được sử dụng cho các chương trình tiêm chủng cơ bản cho trẻ em ở nhiều nước đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục