Bác sỹ Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết êkíp bác sỹ khoa Nội Hô hấp của bệnh viện vừa tiến hành thủ thuật nội soi gắp thành công dị vật là một kẹp kim loại dùng để niềng răng đã 8 năm nằm trong phế quản của bệnh nhân.
Bệnh nhân Nguyễn Th. H., 39 tuổi, ngụ tại tỉnh Kiên Giang.
Theo hồ sơ bệnh án, trước đó bệnh nhân H nhập viện với triệu chứng nặng ngực, khó thở, ho đờm xanh kéo dài hơn một tháng.
Các bác sỹ đã chụp X-quang cho bệnh nhân và phát hiện ở phế quản thùy giữa của bệnh nhân có dị vật là một vật kim loại, khép góc dạng chữ V. Dị vật có độ mở khoảng 40 độ, chiều dài mỗi cánh khoảng 2cm. Do dị vật nằm rất lâu ở phế quản nên hai nhành của dị vật bám mủ, một nhánh dị vật đâm xuyên vào trong thành phế quản làm niêm mạc chảy máu nhẹ.
Qua hội chẩn, các bác sỹ cho rằng việc nội soi để gắp dị vật cho bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn. Tiến hành nội soi lần 1, các bác sỹ dùng kẹp gắp một nhánh dị vật chữ V kéo ra nhưng do một nhánh đâm sâu vào trong thành phế quản nên không kéo dị vật lên được, mà có chiều hướng đâm sâu vào thành phế quản. Lúc này máu chảy nhiều nên các bác sỹ ngưng thủ thuật nội soi. Sau 1 ngày, các bác sỹ lại tiến hành nội soi gắp dị vật lần thứ 2 nhưng vẫn không gắp được dị vật ra khỏi phế quản.
Sau hai lần nội soi không đạt kết quả, các bác sỹ khoa Gây mê, Hô hấp và Ngoại lồng ngực tiến hành hội chẩn chuyên khoa và đưa ra kết luận hoàn toàn có thể kéo dị vật ra bằng cách kẹp vào góc chữ V. Bệnh nhân có nguy có chảy máu nhiều do tổn thương niêm mạc, mạch máu phế quản nhưng không có khả năng tổn thương các mạch máu lớn và cần chuẩn bị các phương án xử lý khi nội soi.
Tiến hành nội soi lần thứ 3, lúc này nhánh trong của dị vật vẫn cắm trong thành phế quản của bệnh nhân. Êkíp đã dùng kẹp đẩy nhẹ từ từ xuống để tách toàn bộ nhánh trong dị vật ra khỏi niêm mạc; kẹp vào nhánh trong kéo từ từ dị vật lên. Dị vật qua được phế quản thùy trên ra phế quản gốc thì nhánh ngoài lại cắm vào trong thành phế quản.
Lúc này, các bác sỹ dịch kẹp xuống sâu sát góc chữ V rút chân nhánh ngoài dị vật ra khỏi niêm mạc và gắp thành công bị vật ra ngoài. Rất may dị vật là kim loại nên ít gây biến chứng. Hiện sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục.
Bệnh nhân H. cho biết cách đây khoảng 8 năm có đặt niềng răng và không biết niềng răng bị mất khi nào. Vì cuộc sống mưu sinh nên bệnh nhân cũng không quan tâm./.