Gắp thành công dị vật viên thuốc cả vỏ sắc nhọn ở thực quản bệnh nhân

Dị vật sắc nhọn như vỏ thuốc sẽ gây thủng thực quản, viêm trung thất, biến chứng phổi, điều trị sẽ phức tạp, rất tốn kém và ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Dị vật được lấy ra khỏi thực quản của bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 8/9, theo thông tin từ Bệnh viện Hữu Nghị, các bác sỹ của Bệnh viện vừa phẫu thuật gắp thành công một dị vật là một viên thuốc cả vỏ sắc nhọn ra khỏi thực quản của một bệnh nhân.

Người nhà của bệnh nhân cho hay, sáng 7/9, bà N.T.T., 71 tuổi ở Hoàng Mai (Hà Nội) sau khi đi khám bệnh định kỳ, có được bác sỹ kê thuốc về uống, ngay sau khi uống thuốc bà thấy có hiện tượng nuốt đau ở cổ.

[Cảnh giác khi bị hóc: Dị vật có thể 'di cư" ra vùng cổ gây nguy hiểm]

Bệnh nhân được đưa vào Khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Hữu Nghị) trong tình trạng nuốt nghẹn vùng ngực.

Qua thăm khám và tiến hành chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, thấy dị vật cản quang ở 1/3 dưới thực quản. Các bác sỹ của Bệnh viện tiến hành hội chẩn Khoa Tai mũi họng, Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Khoa Tiêu hóa.

Bệnh nhân sau đó được làm các xét nghiệm cấp cứu và chuyển vào Khoa Tiêu hóa tiến hành nội soi gắp dị vật cấp cứu.

Các bác sỹ tiến hành nội soi gắp dị vật ra khỏi thực quản cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ Khoa Tiêu hóa đã tiến hành nội soi và gắp an toàn dị vật là một viên thuốc cả vỏ sắc nhọ.

Bác sỹ Phạm Trung Kiên - Phó Trưởng khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Hữu nghị0 cho hay với dị vật sắc nhọn như vỏ thuốc này sẽ gây thủng thực quản, viêm trung thất, biến chứng phổi, điều trị sẽ phức tạp, rất tốn kém và ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Khi vướng ở vùng hầu họng dị vật có thể gây chèn ép đường thở, khiến bệnh nhân khó thở và không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong. Vì thế, với trường hợp nếu không may bị hóc dị vật cần khẩn trương đưa ngay đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.

Nhân trường hợp của bà N.T.T., bác sỹ Kiên cũng khuyến cáo đối với người cao tuổi khi trí nhớ suy giảm, có thể quên tên thuốc, liều dùng hoặc nhầm lẫn thuốc, liều dùng và có thói quen uống cả vốc thuốc 1 lúc, nên việc dùng thuốc cần có điều dưỡng (ở bệnh viện) hoặc người nhà (khi ở nhà) trực tiếp hướng dẫn dùng thuốc, dù với bất kỳ dạng bào chế nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục