Gấp rút hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải sinh hoạt

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường gấp rút hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt để ban hành trong đầu tháng 10/2023.
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, chậm nhất từ ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đây là việc làm bắt buộc để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hướng tới mục tiêu đem lại môi trường sống trong lành, phát triển bền vững.

Để giúp người dân, hộ gia đình làm quen dần với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, tại cuộc họp về việc hoàn thiện dự thảo “Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt” diễn ra ngày hôm nay, 29/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường gấp rút hoàn thiện dự thảo hướng dẫn trên để ban hành trong đầu tháng 10/2023.

Bộ cũng yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tập trung vào nguyên tắc phân loại và kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt kèm theo phụ lục hướng dẫn để ủy ban nhân dân các tỉnh tham khảo, cụ thể hóa; triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý tại địa phương, đảm bảo phù hợp với các luật hiện hành.

['Cuộc cách mạng xanh' xử lý rác thải sinh hoạt: Không thể chậm trễ!]

Thông tin thêm về nội dung dự thảo hướng dẫn trên, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý chất thải rắn sinh (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) - bà Dương Thị Thanh Xuyến cho biết thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Theo đó, dự thảo đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới và khảo sát tại một số tỉnh của Việt Nam.

Sau khi hoàn thiện việc xây dựng dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo; gửi công văn lấy ý kiến góp ý tới ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đồng thời tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của các chuyên gia và thành viên tổ soạn thảo cùng đại diện của một số đơn vị trong bộ.

Chậm nhất từ ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Tính đến nay, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã nhận được 50 văn bản phản hồi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đa số các tỉnh đều có ý kiến đồng thuận và mong muốn sớm ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 15/48 tỉnh thống nhất hoàn toàn với dự thảo.

Trên cơ sở góp ý của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo đảm bảo đúng quy định và tính khả thi khi thực hiện. Hiện nay, dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt gồm 2 phần chính.

Phần 1 “Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt” đưa ra nhân diện và phân loại thành 3 nhóm chính theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Phần II “Tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt” đưa ra các nội dung hướng dẫn ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thược trung ương khi xem xét, ban hành quy định chi tiết về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật hiện có; có hoạt động tuyên truyền, phổ biến và triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương.

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị liên quan cũng đã chia sẻ, góp ý về các nội dung trong dự thảo. Các ý kiến tập trung vào việc đề nghị giải thích định nghĩa các nhóm chất thải là gì và bao gồm những loại nào; rà soát, sắp xếp, làm rõ nghĩa một số loại chất thải để tránh trùng lắp, đảm bảo tính thống nhất trong quá trình phân loại.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề xuất bổ sung một số loại chất thải không thuộc nhóm chất thải phát sinh phổ biến từ sinh hoạt và một số loại chất thải hữu cơ vào dự thảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục