Gặp người cắm cờ trên nóc Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn

Trong căn nhà đơn sơ, cựu chiến binh Nguyễn Duy Đông, người cắm cờ trên nóc nhà Bộ tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn như sống lại những thời khắc lịch sử của 40 năm về trước.
Nữ biệt động Sài Gòn hướng dẫn quân Giải phóng tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Những ngày này, trên các con phố rợp cờ hoa, lòng người dân tràn ngập niềm tự hào về ngày 30/4/1975, Nam-Bắc thống nhất một nhà, non sông thu về một mối.

Trong căn nhà đơn sơ ở thôn An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, cựu chiến binh Nguyễn Duy Đông, người cắm cờ trên nóc nhà Bộ tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn như sống lại những thời khắc lịch sử của 40 năm về trước.

Giây phút lịch sử

Người dân miền biển huyện Thái Thụy luôn tự hào về đại tá Bùi Quang Thận (xã Thụy Xuân), người anh hùng cắm cờ trên Dinh Độc Lập.

Sau 35 năm từ ngày đại thắng 30/4, đến năm 2010 niềm tự hào ấy được nhân lên khi họ được biết về một người con quê hương Thái Thụy là thượng sỹ Nguyễn Duy Đông (sinh năm 1952, xã Thụy Văn) cũng chính là người cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn vào trưa 30/4/1975.

Trở về từ cuộc chiến tranh, người cựu chiến binh ấy vẫn thầm lặng cống hiến và giản dị giữa cuộc sống đời thường. Trong căn nhà đơn sơ, ông Đông dành một góc treo những huân, huy chương và những hình ảnh về Trung đoàn 48 anh hùng năm nào. Bức nào ông cũng đóng khung ngay ngắn, trang trọng. Bởi với ông, "đó là cả gia tài về tinh thần." Ông kể cho chúng tôi về từng tấm ảnh một cách chân thực nhất những khoảnh khắc hào hùng của ngày 30/4/1975.

Năm 1972, chàng thanh niên Nguyễn Duy Đông xung phong nhập ngũ tại Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1.

Trung đoàn này được giao nhiệm vụ tập trung đánh chiếm và giữ Thành cổ Quảng Trị. 81 ngày đêm "đỏ lửa" giữ thành, máu và nước sông Thạch Hãn hòa dòng là những tháng ngày oanh liệt nhất, bi tráng nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Vì vậy, Trung đoàn 48 còn có tên khác là Đoàn Thạch Hãn.

Đến tháng 9/1973 Trung đoàn được lệnh hành quân ra Bắc, xây dựng lực lượng, bảo vệ miền Bắc, chuẩn bị vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 2/1975, Trung đoàn được lệnh hành quân cấp tốc vào miền Nam.

Ông Đông nhớ lại: "Lúc đó, theo mệnh lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 phải đánh chiếm và cắm bằng được lá cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn. Nhiệm vụ này được giao cho Đại đội 5 do đồng chí Lại Đức Lưu làm Đại đội trưởng. Ban chỉ huy tiểu đoàn phân công tổ trinh sát gồm 3 người là Nguyễn Duy Đông, Đỗ Xuân Hương và Trịnh Bá Uẩn thực hiện nhiệm vụ tăng cường cho đại đội 5, dẫn bộ binh chiến đấu, trực tiếp chiến đấu và cắm cờ."

Sáng 30/4/1975 lịch sử ấy, tổ mũi nhọn gồm 5 người, trong đó Tổ trưởng Lại Đức Lưu, tổ phó là ông Đông cùng 3 người khác theo xe tăng vào Lái Thiêu (Bình Dương), phối hợp cùng đơn vị tiến đánh cầu Bình Triệu, nơi Mỹ ngụy tập trung đông, quyết tâm bảo vệ cầu, bảo vệ phía Bắc Sài Gòn-Gia Định. Tại đây, quân ta đã tiêu diệt 5 xe tăng địch. Khi xe chỉ huy của ta đối đầu 1 xe thiết giáp của địch, ông Đông đã nhanh chóng xuống xe, chĩa thẳng súng vào xe giặc và hô lớn “Hàng thì sống, chống thì chết.”

Từ phía sau, đồng đội ào lên hỗ trợ, khống chế xe thiết giáp, buộc tên giặc phải đầu hàng, bắt chúng quay đầu và dẫn cả đơn vị vào Sài Gòn tiến đánh Bộ Tổng tham mưu.

Qua 40 năm nhưng ông Đông vẫn nhớ như in từng chi tiết với niềm tự hào của một người lính cụ Hồ. Ông kể: "Vào khoảng 11 giờ kém 20 phút ngày 30/4/1975 theo đường Trần Xuân Soạn tiến về đường Hàm Nghi, tiểu đoàn 2 đánh thẳng vào cổng 1 Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn. Lúc này cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, tiểu đoàn 2 không thể thọc sâu tấn công được. Theo lệnh của chỉ huy trưởng Thiều Quang Nông, xe bọc thép tiến vào cổng 2 Bộ Tổng tham mưu. Hai lô cốt bị tiêu diệt, thừa thắng, xe bọc thép húc tung cánh cổng của Bộ Tổng tham mưu tiến vào nội tâm. Lúc này xe tăng của ta và quân giải phóng đồng thời tiến vào đánh chiếm các mục tiêu quan trọng của giặc."

Trong đó, xe bọc thép chở đội trinh sát của ông Đông lao thẳng vào tòa nhà 3 tầng cao nhất. Ông Đông nhảy xuống trước, các đồng đội theo sau hỗ trợ. Phía trong nhà Bộ Tổng tham mưu còn rất nhiều giặc. Nhanh trí ông Đông đã khống chế một tên địch và bắt dẫn lên lối gần nhất nóc nhà 3 tầng. Sau khi cả đội lên đủ 5 người, mỗi người một nhiệm vụ, phối hợp để nhanh chóng cắm được lá cờ của lực lượng giải phóng. Ông Đông mở balô lấy cờ, ông Lại Đức Lưu tung cờ, ông Đỗ Xuân Hương lồng cờ vào cán.

Cựu chiến binh Nguyễn Duy Đông nhớ lại thời khắc lịch sử: “Lúc đó, tôi nhanh thoăn thoắt trèo lên cột thép, phía dưới đồng chí Uẩn ném dây cho tôi. Khi tôi buộc đến nút cuối cùng, lá cờ giải phóng rộng 3,4 mét, dài 4,8 mét tung bay, ở dưới gốc cờ đồng chí Hương bắn tràng AK báo tin chiến thắng và hô vang 'Các đồng chí ơi, chúng ta đã thắng rồi!' Lúc này đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Sau đó tôi và đồng chí Hương xuống dưới bảo vệ tòa nhà, đồng chí Uẩn ở lại bảo vệ lá cờ.”


Chiến công thầm lặng suốt 35 năm

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tháng 5/1975 đơn vị của ông Đông được lệnh thần tốc ra bảo vệ miền Bắc. Mỗi người chia thành các đơn vị khác nhau với những nhiệm vụ riêng. Lúc đó ông Đông được chuyển về trung đoàn 64 đóng chân tại Thanh Hóa. Sau khi chiến tranh biên giới kết thúc, tháng 2/1980 ông xuất ngũ.

Khi viết về lịch sử và dấu mốc của Trung đoàn 48, người cung cấp và viết sử đơn vị viết: Người cắm cờ trên nóc Bộ Tổng tham mưu là Nguyễn Văn Đổng. Tuy nhiên, sau độ lùi thời gian, tra cứu cả đơn vị tìm mãi không thấy người có tên Nguyễn Văn Đổng. Mãi đến năm 2010, đơn vị tìm gặp tiểu đoàn trưởng Thiều Quang Nông trao đổi và được biết người lính cắm cờ năm xưa có tên là Nguyễn Duy Đông - người con của quê lúa Thái Bình.

Tháng 4/2010, ông Đông được đơn vị mời vào Thanh Hóa và trao giấy chứng nhận là người cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975. 35 năm đơn vị đi tìm người cắm cờ cũng là 35 năm ông Đông thầm lặng với chiến công của mình.

Ông bộc bạch: “Thời đó những người lính ra trận thì chỉ có một mục tiêu là đánh giặc, giành tự do, hòa bình, thống nhất đất nước. Vì vậy, nhiệm vụ nào được cấp trên giao thì ai cũng cố gắng hoàn thành. Nhiệm vụ cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975 cũng thế. Chúng tôi nghĩ là việc bình thường mà người lính nào trong hoàn cảnh đó đều làm.”

Cũng bởi nghĩ suy như vậy mà những kỷ niệm thời mưa bom lửa đạn nơi chiến trường, những kỷ vật của một thời trai trẻ hiến nguyện tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ông Đông giữ kín trong lòng. Đến cả vợ và con ông cũng không biết được nhiều chuyện thời lính của ông.

Là người góp phần làm nên lịch sử của ngày 30/4/1975 nhưng ông Đông vẫn giản dị với những công việc đồng áng, xóm làng. Như bao người lính khác, ông thầm lặng cống hiến cho quê hương bằng việc tham gia công tác Hội Nông dân xã và Hợp tác xã nông nghiệp xã Thụy Văn. Với ông, đồng đội, những liệt sỹ đã hy sinh cho hòa bình đất nước, cho Tổ quốc non sông liền một dải, đó là những anh hùng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục