Tối 28/12, tại FLC Vĩnh Thịnh Resort, tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức buổi gặp mặt và tọa đàm với với các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài.
Đến dự buổi gặp mặt và tọa đàm này có 136 doanh nhân, kiều bào đến từ 18 quốc gia.
Vào dịp Tết cổ truyền hàng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Chương trình " Xuân quê hương " đón kiều bào về nước đón Tết, vui Xuân. Dịp này, Vĩnh Phúc tổ chức buổi gặp mặt và tọa đàm về chính sách thu hút đầu tư với kiều bào và khách mời của tỉnh.
Đây là hoạt động có ý nghĩa, là cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc được gặp gỡ và giới thiệu về những thành tựu về kinh tế-xã hội với các doanh nhân kiều bào để xây dựng quê hương Vĩnh Phúc ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, nhấn mạnh Vĩnh Phúc nằm ở vị trí địa lý có nhiều tuyến giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế đi qua như đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đường Quốc lộ 2A, 2B, 2C, đường vành đai 5 Thủ đô, đường sắt Hà Nội-Lào Cai, gần sân bay quốc tế Nội Bài; kết nối với các tỉnh vùng Tây Bắc, vùng Đông Bắc rất thuận tiện. Vĩnh Phúc có ba vùng sinh thái là đồng bằng, trung du và miền núi, đất đai thổ nhưỡng có đặc điểm cấu tạo địa chất rất tốt cho việc phát triển công nghiệp, đô thị và du lịch.
Năm 1997, khi tái lập, Vĩnh Phúc là một tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Với chủ trương phát triển công nghiệp làm nền tảng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế.
Trên cơ sở phát huy nội lực và tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Vĩnh Phúc đã có bước đi đột phá, định hướng đúng, tập trung cao độ việc lãnh đạo, điều hành nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển công nghiệp. Kinh tế của tỉnh luôn tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung cả nước; thu ngân sách liên tục tăng cao và ngày càng ổn định.
Năm 2004, Vĩnh Phúc là một trong số ít các tỉnh tự cân đối được ngân sách và có đóng góp cho ngân sách Trung ương; năm 2015 số thu ngân sách của tỉnh đạt gần 25.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt khoảng 22.000 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (hiện còn 9,7%). Hiện nay, Vĩnh Phúc được biết đến là một trong các trung tâm phát triển công nghiệp ôtô, xe máy của cả nước.
Một số khu du lịch trọng điểm như Tam Đảo, Tây Thiên và Đại Lải đã được quan tâm đầu tư, thu hút một lượng lớn khách du lịch. Các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng thường xuyên ở tốp đầu, thu hút đầu tư tăng mạnh; đồng thời với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa-xã hội luôn được quan tâm và có nhiều tiến bộ.
Để phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc cũng đã có nhiều nỗ lực và quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, là một trong các điểm sáng của cả nước về môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư.
Tỉnh đã xây dựng và triển khai đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, trong đó đặc biệt chú trọng vào cải cách các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi hoạt động đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Tỉnh thành lập Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, là đầu mối tiếp nhận các dự án đầu tư, thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư của các cơ quan hành chính nhà nước, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, triển khai tổ chức thực hiện dự án.
Tỉnh cũng lập Cổng đối thoại điện tử "Doanh nghiệp-Chính quyền" để tiếp nhận các thông tin, hỗ trợ, kịp thời giải quyết các vướng mắc cho các nhà đầu tư...
Vĩnh Phúc quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các Khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch; tiếp tục hoàn thiện cơ chế ưu đãi đầu tư nhằm kêu gọi các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao trong các lĩnh vực: công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp cơ khí (sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy...), vật liệu xây dựng, vật liệu mới, công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy, điện tử và nông nghiệp công nghệ cao; kêu gọi đầu tư vào các ngành dịch vụ như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục-đào tạo.
Tất cả các dự án đầu tư vào tỉnh đều được hỗ trợ như đào tạo nghề và ưu tiên tuyển dụng lao động theo yêu cầu của dự án, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật: cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ dự án xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ… theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, đại diện của các ngành chức năng tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nhân và một số doanh nhân, kiều bào tiêu biểu Việt Nam ở nước ngoài...đã nêu những thuận lợi, khó khăn khi đầu tư về Việt Nam; chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức, những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất, trong công tác quản lý điều hành để đạt hiệu quả cao trong sản xuất-kinh doanh.
Các doanh nhân, kiều bào cũng nêu ra một số chính sách, cơ chế cần có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp và đưa ra những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp kiều bào./.