Hoạt động của các tổ chức tôn giáo tạo sự ủng hộ, đồng thuận của đồng bào tôn giáo với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đây là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tại cuộc Gặp mặt chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào ngày 11/11, tại Hà Nội.
Cho biết Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua năm 2016, có hiệu lực thi hành từ năm 2018 là sự kiện nổi bật tại Quốc hội khóa XIV, bà Trương Thị Mai nêu rõ việc thông qua Luật thể hiện sự đổi mới về hoạt động của Quốc hội được ghi nhận trong Hiến pháp, đó là các chính sách về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo phải được thông qua tại Quốc hội, không thông qua tại cấp thấp hơn.
"Có thể nói đây là sự kiện nổi bật nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội này đối với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân Việt Nam. Sự thông qua đó, ngoài trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, trình, thẩm tra, còn có sự đóng góp quan trọng của các vị chức sắc là đại biểu Quốc hội để Luật phù hợp với thực tiễn và sát với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ta," bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Đánh giá cao sự đóng góp của các tổ chức tôn giáo, bà Trương Thị Mai khẳng định không chỉ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, hoạt động của các tổ chức tôn giáo còn tạo sự ủng hộ, đồng thuận của đồng bào, chức sắc tôn giáo cả nước với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
[Bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người]
Năm nay, các tổ chức tôn giáo, chức sắc tôn giáo tham gia rất tốt vào công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Các hoạt động tập trung đông người đều được dừng lại, thống nhất với các chủ trương của Đảng, Nhà nước để đảm bảo sự an toàn cho người dân, đồng bào tôn giáo.
Tại buổi gặp mặt, các chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội khóa XIV đã trao đổi, thông tin tình hình thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo; đóng góp của các tổ chức tôn giáo trong năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã có những chuyển biến tích cực, tạo hành lang pháp lý để thực hiện thống nhất công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có những quy định mới, thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Luật đã được các cá nhân, tổ chức tôn giáo đón nhận, tạo sự yên tâm, phấn khởi trong cuộc sống, trong việc giữ đạo, sống đạo; tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, từ thiện nhân đạo, góp phần xây dựng, củng cố mối đoàn kết giữa các tổ chức tôn giáo, động viên tín đồ chấp hành pháp luật khi thực hiện các hoạt động tôn giáo./.