Gặp lại tác phẩm của tác giả thành danh từ trường Mỹ thuật Đông Dương

“Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác” gồm 50 tác phẩm hội họa, điêu khắc... độc đáo của thế hệ các tác giả đã thành danh từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Tác phẩm “Điểm tâm” của Lê Phổ. (Ảnh: BTC)

Một lần nữa, công chúng Hà Nội sẽ có dịp gặp lại khoảng 50 tác phẩm nghệ thuật độc đáo của thế hệ nghệ sỹ thành danh từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại triển lãm “Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác.”

Sự kiện sẽ chính thức khai mạc vào lúc 18 giờ (ngày 19/10) và kéo dài đến hết ngày 23/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Điểm nhấn của triển lãm là những bức họa: “Điểm tâm” (Lê Phổ), “Người phụ nữ ở Pyrenees” (Lê Thị Lựu), “Đình nhà Mạc” (Trần Duy), “Phong trào hợp tác xã Đại Phong” (Phan Thông), “Chuyện trò” (Vũ Cao Đàm) và “Phong cảnh nông thôn” (Phạm Hậu)…

Những tác phẩm trưng bày lần này thuộc bộ sưu tập tư nhân của nhà sưu tập Nguyễn Minh. Nguyễn Minh là một trong những nhà sưu tập nghệ thuật hiếm hoi ở Hà Nội. Ông sở hữu bộ sưu tập hội họa Việt Nam hiện đại với gần 200 tác phẩm của các nghệ sỹ thuộc nhiều giai đoạn khác nhau: từ thời kỳ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ bao cấp đến giai đoạn Đổi mới…

Đó là tác phẩm của những họa sỹ tài danh của mỹ thuật hiện đại Việt Nam như: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương...

Triển lãm “Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác” nhằm giới thiệu tới công chúng những tác phẩm quý giá của hội họa Việt Nam. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để nhìn lại lịch sử mỹ thuật Việt Nam, đánh giá vai trò của nghệ thuật trong đời sống xã hội.

Trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương (L’École des Beaux-Arts de l’Indochine) được thành lập tại Hà Nội theo  Quyết định của Thống đốc Toàn quyền Đông Dương ký ngày 27/10/1924,  là một bộ phận của Viện Đại học Đông Dương.  Họa sỹ Victor Tardieu - người có ý tưởng sáng lập một ngôi trường đào tạo nên các nghệ sỹ cho xứ Đông Dương là hiệu trưởng đầu tiên cùng với sự cộng sự đắc lực của họa sỹ Nam Sơn- Nguyễn Văn Thọ.

Trường đã  đào tạo nên một thế hệ họa sĩ cũng như điêu khắc gia đã đi vào lịch sử nghệ thuật Việt Nam  như Lê Phổ, Vũ Cao-Đàm, Nguyễn Phan-Chánh, Georges Khánh, Mai Trung-Thứ, Tô Ngọc-Vân, Lê văn Đệ, Nguyễn Gia-Trí, Trần văn Cẩn…

Hình ảnh một số tác phẩm tiêu biểu được trưng bày tại triển lãm (Ảnh: BTC):

“Người phụ nữ ở Pyrenees” của Lê Thị Lựu.
“Đình nhà Mạc” của Trần Duy.
“Chuyện trò” của Vũ Cao Đàm.
“Phong cảnh nông thôn” của Phạm Hậu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục