Kỷ niệm 55 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ngày 11/1, Học viện Chính trị khu vực II phối hợp cùng Đài Phát thanh Truyền hình Hậu Giang tổ chức chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử “Biệt động Sài Gòn-Gia Định."
Phát biểu tại chương trình, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II nhấn mạnh, 55 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn vẹn nguyên giá trị, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; sự mưu trí, sáng tạo và tinh thần chiến đấu anh dũng, bất khuất vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống thất đất nước của quân và dân ta.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của Mỹ tại miền Nam, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của địch, buộc Mỹ, ngụy phải đàm phán và tiến tới Hiệp định Paris năm 1973.
“Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã đập tan ý chí xâm lược của kẻ thù, thể hiện lòng quả cảm và tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Có thể nói không có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 sẽ không có đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong những đội quân làm nên chiến công vĩ đại đó, lịch sử luôn nhắc đến lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định, đây là lực lượng chủ công, đi đầu dẫn đường và chịu hy sinh rất nhiều. Một đội quân tuy ít nhưng tác chiến rất tinh nhuệ, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh thắng số đông, lấy trí tuệ lòng quả cảm để chiến thắng đội quân khổng lồ của đế quốc Mỹ,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dũng nhận định.
Chương trình đã giao lưu với 3 nhân chứng lịch sử gồm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang) nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo quân sự H63; bà Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chín Nghĩa), Thiếu úy Đội 5, F100 Biệt động Sài Gòn-Gia Định, nữ chiến sỹ duy nhất tham gia trận đánh vào Dinh Độc lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968; cựu biệt động Sài Gòn Đặng Thị Thiệp, vợ của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (bí danh Mai Hồng Quế).
Câu chuyện về trận đánh năm xưa vẫn in sâu trong tâm trí nữ biệt động duy nhất tham gia đánh vào Dinh Độc lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Cô Chín Nghĩa chia sẻ: “Đó là ký ức của một đêm đầy ác liệt, chúng tôi phải băng qua xác đồng đội để tiếp tục chiến đấu. Trước khi đi, chúng tôi xác định sẽ hy sinh hoặc bị thương và có thể bị bắt. Và thực tế đúng như vậy. Nhưng khi sa vào tay giặc hay trong nhà giam lúc nào tôi cũng tin tưởng rằng cuộc cách mạng của mình sẽ thắng lợi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng."
[Biệt động Sài Gòn - bản hùng ca của những người con bất tử]
Tham gia đánh vào Dinh Độc lập, ngoài nhiệm vụ cầm súng trực tiếp chiến đấu, cô Chín Nghĩa còn được giao cứu thương cho đồng đội. Điều khiến cô Chín Nghĩa vẫn luôn đau đáu và xúc động khi nhớ về trận đánh đó là giây phút chứng kiến người thủ trưởng của mình ra đi mãi mãi dưới làn đạn của địch.
Trên tay cô không còn viên thuốc, không còn cuộn băng, chỉ có chiếc khăn rằn quàng trên cổ để băng cho thủ trưởng. Vết thương quá nặng, tay cô đè vết thương mà máu vẫn trào ra. Cô rất đau lòng khi thủ trưởng bị thương nhưng không thể làm gì.
“Các em phải bám trận địa chờ lực lượng tới tiếp tiếp viện, không rút lui,” đó là mệnh lệnh của Thủ trưởng với toàn đội trước khi trút hơi thở cuối cùng. Sự ra đi của Thủ trưởng là nỗi đau tột cùng, toàn đội quyết tâm thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng,”cô Chín Nghĩa xúc động nhớ lại.
Là vợ chính thức nhưng để tạo vỏ bọc cho chồng là chiến sỹ biệt động Sài Gòn hoạt động, bà Đặng Thị Thiệp suốt nhiều năm phải chịu mang tiếng "gái trẻ giật chồng người."
Trong vỏ bọc là vợ bé của ông Trần Văn Lai, chủ thầu khoán làm nội thất cho Dinh Độc lập, bà Đặng Thị Thiệp đã cùng chồng hoạt động bí mật để phục vụ cách mạng.
Không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng bà và chồng đã bí mật đào hầm, vận chuyển 3 tấn vũ khí phục vụ chiến đấu.
Bà Đặng Thị Thiệp chia sẻ, khi đó bà mới 18-19 tuổi, bà được chồng mình chở đi khắp Sài Gòn để tìm mua nhà cho "vợ bé." Với yêu cầu mua căn nhà nhỏ trong hẻm để tránh bị vợ lớn phát hiện, nhưng thực chất các căn nhà được chồng bà mua là để đào hầm chứa vũ khí phục vụ chiến đấu theo yêu cầu của cấp trên.
Suốt những năm tháng làm "vợ hờ" của chồng, bà Đặng Thị Thiệp đã hết lòng hy sinh, chịu đựng mọi oan trái, hiểm nguy, gian truân trong lòng địch để bảo vệ cho chồng và đồng đội hoạt động bí mật.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, bí danh Mai Hồng Quế bị lộ, địch truy nã ông khắp hang cùng ngõ hẻm. Suốt 8 năm bị truy nã không thể ra chiến khu, bà Đặng Thị Thiệp một tay lo nuôi chồng lâm bệnh, nuôi con cho tới ngày giải phóng.
“Những năm tháng ấy vô cùng khó khăn nhưng nghĩ đến tất cả đồng bào, nhân dân đều đang một lòng chiến đấu, bản thân tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực để vượt qua,” bà Đặng Thị Thiệp bày tỏ.
Trong các trận đánh, lực lượng tình báo không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nắm bắt tình hình để báo cáo lên trên để cấp trên xử trí.
Để thực hiện được nhiệm vụ và yêu cầu “ngăn cách và bí mật” của lực lượng tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Tàu cho rằng, quần chúng nhân dân có vai trò rất quan trọng, không có nhân dân, tình báo và biệt động không thể làm được gì.
“Thế hệ đi trước đã hy sinh mất mát rất nhiều để có được hòa bình cho đất nước. Thế hệ trẻ ngày nay có rất nhiều điều kiện để học tập, các bạn trẻ hãy ra sức cống hiến nhiều hơn nữa để gìn giữ, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp,” đó là lời nhắn nhủ của các nhân chứng lịch sử với thế hệ trẻ ngày nay./.