Gặp gỡ người gần 60 năm vun đắp tình hữu nghị Việt - Nga

Gặp gỡ người gần 60 năm vun đắp tình hữu nghị Việt Nam và Nga

Nhà Việt Nam học Evgheny Pavlovich Glazunov, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Nga-Việt, là tác giả hàng trăm công trình khoa học về Việt Nam.
Gặp gỡ người gần 60 năm vun đắp tình hữu nghị Việt Nam và Nga ảnh 1Nhà Việt Nam học Evgheny Pavlovich Glazunov. (Ảnh; Duy Trinh/Vietnam+)

Ông là người bạn chí tình của nhân dân Việt Nam mà các phóng viên thường trú, Đại sứ quán và nhiều người Việt đều quen thuộc - Nhà Việt Nam học Evgheny Pavlovich Glazunov, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Nga-Việt, tác giả hàng trăm công trình khoa học trong đó khá nhiều về Việt Nam.

Sinh ngày 4/4/1931, Evgheny Pavlovich lần đầu tiên đến Việt Nam năm 1962 trên cương vị tùy viên Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam. Kể từ đó cuộc đời ông gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng của Việt Nam, mối quan hệ đồng chí, anh em Xô-Việt và sau này là mối quan hệ chiến lược toàn diện Nga-Việt.

Ông đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam; từng sát cánh cùng nhân dân Việt Nam dưới làn bom đạn trong các cuộc không kích của Mỹ vào miền Bắc.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở Hội hữu nghị Nga-Việt, ông kể: "Tôi nhớ rất rõ thời điểm 4/8/1964 khi Mỹ khiêu khích (ném bom bắn phá miền Bắc) khiến cả thế giới bất ngờ. Khi đó, tôi gặp ông Phạm Văn Đồng ở Đồ Sơn và đã thấy máy bay lạ bay qua theo hướng Hòn Gai, sau đó là tiếng bom nổ, cột khói bốc lên. Ông Pham Văn Đồng lên xe quay về Hà Nội và sau đó chúng ta biết đó là các vụ không kích của máy bay Mỹ."

Kết thúc nhiệm kỳ về nước năm 1965, ông Glazunov chuyển sang phụ trách Khu vực Đông Dương trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Evgheny Pavlovich cùng làm việc với tất cả các đời Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô trước kia và Liên bang Nga ngày nay, kể từ Đại sứ Việt Nam thứ 2 tại Liên Xô, Nguyễn Văn Kỉnh.

Năm 1974, ông lại quay Đại sứ quán Liên Xô ở Việt Nam công tác trên cương vị Tham tán Công sứ (Nhân vật thứ 2 trong sứ quán).

Thời điểm Liên Xô tan rã, Glazunov cùng anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô German Titov là những người chủ chốt góp phần duy trì và vun đắp mối quan hệ Nga-Việt cho tới tận ngày nay.

Ông kể: "Tôi làm quen với German Titov và Hội hữu nghị Xô-Việt cuối năm 1961 sau chuyến bay của ông vào vũ trụ. Từ đó chúng tôi phối hợp chặt chẽ với nhau cho tới khi ông ấy qua đời... năm 1991 khi Liên Xô tan rã, mọi thứ đều đổ vỡ, rất khó khăn, và Hội hữu nghị Xô-Việt cũng bị loại bỏ. Chúng tôi cùng Titov và các đồng chí khác đã đấu tranh rất lâu để gìn giữ lại và khôi phục hội. Cuối năm 1991, chúng tôi với nhiều nỗ lực, đã thành lập Hội hữu nghị với Việt Nam. Sở dĩ khi đó không có từ Nga bởi nếu thêm từ này chúng tôi phải nộp tiền".

Lúc đó Glazunov giữ chức Chủ tịch Hội, còn Titov là Chủ tịch danh dự. Ông Glazunov đảm nhận cương vị này tới năm 2007 rồi chuyển sang làm Chủ tịch danh dự cho tới ngày nay.

Có thể nói sự nghiệp của Glazunov đồng hành với mọi thăng trầm của mối quan hệ Nga-Việt. Ông cho biết, cuốn sách gần đây nhất của mình "Trong những ngày chiến tranh và hòa bình" là những kinh nghiệm lịch sử, bài học cho tương lai, song nó còn là cuốn sách thú vị với những ai quan tâm đến lịch sử Việt Nam đương đại.

Đề cập tới mối quan hệ Nga-Việt hiện nay, ông Glazunov bày tỏ: "Với những gì liên quan tới quan hệ Nga-Việt, là một công dân Nga, đương nhiên tôi rất vui mừng với mối quan hệ phát triển hiện nay. Những khó khăn trong thập niên 1990 đã đi vào lịch sử, và hiện đang có động lực phát triển quan hệ. Quan hệ thương mại-kinh tế, kỹ thuật đang phát triển, quan hệ văn hóa cũng tăng tốc, năm ngoái đã diễn ra ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga. Chúng tôi rất vui mừng về điều này. Mặc dù quy mô mối quan hệ chưa thể bằng quan hệ Xô-Việt, xong chúng cho thấy việc duy trì truyền thống, lịch sử quan hệ song phương của chúng ta và việc duy trì mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ. Tôi vui mừng về điều này."

Di sản mà Nhà Việt Nam học Evgheny Glazunov để lại không chỉ có những công trình khoa học, sách và những mẩu chuyện, ký ức thú vị về Việt Nam.

Con gái ông, chị Svetlana Glazunova hiện cũng là giảng viên tiếng Việt tại Đại học Ngoại giao Moskva (MGIMO) danh tiếng, và đang góp phần đào tạo những sinh viên Nga hiếm hoi biết tiếng Việt.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Glazunov thổ lộ cá nhân ông và nhiều người Nga từng làm việc ở Việt Nam đều có tình cảm đặc biệt với quốc gia này và ông hy vọng các thế hệ sau sẽ tiếp tục gìn giữ, phát triển mối quan hệ tốt đẹp đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục