Trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng (7/1), ngày 15/12, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Báo Quân đội Nhân dân phối hợp với Học viện Quân y tổ chức chương trình “Gặp gỡ hữu nghị lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam năm 2013.”
Tại buổi giao lưu, Đại sứ Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Hul Phani đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã luôn kề vai sát cánh với nhân dân Campuchia trong quá trình đấu tranh thoát khỏi chế độ diệt chủng cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Đại sứ cảm ơn Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia, báo Quân đội Nhân dân và Học viện Quân y đã tổ chức chương trình giao lưu ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng.
Đại sứ Hul Phani cho biết, ngày 7/1/1979 là một ngày có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với nhân dân Campuchia - là ngày đất nước và nhân dân Campuchia được hồi sinh, bước sang một trang mới hòa bình và hạnh phúc.
Đại sứ khẳng định, để giành được thắng lợi đó có sự giúp đỡ rất lớn của quân tình nguyện Việt Nam. Đánh giá cao kết quả đào tạo của Việt Nam đối với lưu học sinh Campuchia, Đại sứ cho biết, những lưu học sinh sau khi về nước đã đang và sẽ góp phần tích cực vào xây dựng đất nước Campuchia. Thực tế này càng khẳng định sâu sắc hơn tình cảm tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc.
Trưởng Đoàn lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam Pisey bày tỏ sự biết ơn sự giúp đỡ của Việt Nam, đặc biệt là quân tình nguyện Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Pisey cho biết, là thế hệ được sinh ra sau này nhưng qua lịch sử, người thân, Pisey cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa của việc thoát khỏi chế độ diệt chủng. Đặc biệt, trong thời bình, việc giúp đỡ của Việt Nam càng làm mối quan hệ giữa hai nước trở nên tốt đẹp hơn.
Được học tập tại Việt Nam, Pisey càng cảm nhận được tình cảm tốt đẹp của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia. Các lưu học sinh khi học tập tại Việt Nam được tạo điều kiện tốt, các thầy cô giáo giảng dạy nhiệt tình, kịp thời giúp đỡ những lúc khó khăn nên việc học tập, nghiên cứu được thuận lợi, hiệu quả.
Một điểm sáng trong hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia trong công tác đào tạo là phát động và thực hiện phong trào "Ươm tình hữu nghị."
Theo đó, các cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia đã nhận đỡ đầu, nhận các lưu học sinh Campuchia làm con nuôi. Việc làm này đã giúp các lưu học sinh Campuchia dịu bớt cảm giác xa nhà, tập trung hơn nữa cho việc học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Đây là một việc làm rất thiết thực để ươm mầm tình hữu nghị giữa Việt Nam-Campuchia và mô hình này sẽ được Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Chương trình giao lưu diễn ra trong bầu không khí chân tình, ấm áp, thắm đượm tình hữu nghị.
Chương trình là cơ hội trao đổi kinh nghiệm học tập, rèn luyện giao lưu tình cảm thầy cô, gia đình đỡ đầu và bạn bè sinh viên Việt Nam với lưu học sinh Campuchia; qua đó động viên lưu học sinh Campuchia phấn đấu trong học tập, rèn luyện và hoạt động xã hội, giúp lưu học sinh Campuchia hòa nhập môi trường văn hóa Việt Nam, góp phần củng cố và tăng cường tình hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia./.