Nông nghiệp là lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng hợp tác, trao đổi thương mại, chuyển giao kỹ thuật và nguồn chuyên gia giữa Việt Nam và các nước thuộc khu vực Trung Đông-châu Phi.
Những thành công từ các dự án hợp tác phát triển lĩnh vực lúa gạo, cây lương thực thực phẩm tại Venezuela (năm 2016-2018), Mozambique... được đại diện Chính phủ các nước khu vực Trung Đông-châu Phi đánh giá cao và kỳ vọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư xa hơn với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác.
Bên lề hội thảo “Gặp gỡ Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi“ do Bộ Ngoại giao tổ chức trong 2 ngày 9 và 10/9 tại Hà Nội, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh để đánh giá về tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực Trung Đông-châu Phi.
- Lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra sự kiện “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi,” Thứ trưởng đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc tổ chức sự kiện này?
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Đây là một sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo cơ hội cho các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam được gặp gỡ các Đại sứ, đại diện của các nước thuộc khu vực Trung Đông-châu Phi để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thực tiễn và mở ra các hướng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới.
[Đại sứ các nước Trung Đông và châu Phi tin tưởng hợp tác với Việt Nam]
Không những thế, đây còn là cơ hội để các cơ quan đại diện ngoại giao khu vực cùng đối thoại, trao đổi trực tiếp với phía đối tác của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực để cùng đạt tới tiếng nói nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, nhất là một số ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam; trong đó có phát triển nông nghiệp, trồng trọt và nuôi thủy sản...
- Thứ trưởng cho biết một số kết quả hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông-châu Phi trong lĩnh vực nông nghiệp?
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của các quốc gia Trung Đông-Châu Phi, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các quốc gia trong khu vực.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 69/70 quốc gia Trung Đông-châu Phi; có quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia trong khu vực với kim ngạch hai chiều năm 2018 đạt trên 20,5 tỷ USD, tăng 300% so với năm 2008; tiếp nhận trên 2,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ khu vực Trung Đông-châu Phi vào Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam xuất khẩu sang khu vực này đạt 11,7 tỷ USD (xuất khẩu sang Trung Đông đạt 8,8 tỷ USD và sang châu Phi đạt 2,9 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 8,8 tỷ USD (nhập khẩu từ Trung Đông đạt 5,1 tỷ USD và từ châu Phi đạt 3,7 tỷ USD).
Việt Nam cũng đã triển khai thành công nhiều mô hình hợp tác song phương, ba bên-bốn bên, với sự hỗ trợ của một số quốc gia phát triển và tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đã cử trên 400 chuyên gia sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại nhiều nước châu Phi như Mozambique, Benin, Guinea, Senegal...
Với sự trợ giúp của chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, năng suất lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản tại các dự án thí điểm đều tăng, từng bước góp phần giúp các nước châu Phi đảm bảo an ninh lương thực.
Chúng tôi cũng ghi nhận những đóng góp đáng kể về hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi từ các quỹ Arab, quỹ Kuwait... cho các địa phương của Việt Nam triển khai các dự án xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu tiết kiệm và phát triển nông thôn tại Việt Nam.
- Nhiều ý kiến cho rằng những kết quả về kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông-châu Phi chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội hợp tác như kỳ vọng, Thứ trưởng có ý kiến gì về điều này?
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Điều đó là có cơ sở! Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cho thấy, đang tồn tại không ít khó khăn và thách thức trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với khu vực này mà không chỉ các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước đều cùng chung nhận định. Đó là, sự thiếu thông tin và hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh và pháp luật của nhau; xa cách về địa lý; mạng lưới các cơ quan đại diện còn thiếu, các cơ chế hợp tác song phương chưa phát huy hết vai trò trong thúc đẩy hợp tác.
Vì thế, tôi cho rằng, cần có những giải pháp hiệu quả hơn và các bên cùng cần ngồi lại để chia sẻ thực tế, thảo luận và thống nhất với nhau, cùng tìm được tiếng nói chung nhằm thúc đẩy mục tiêu tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Đông-châu Phi. Hai bên cùng nâng quan hệ hợp tác khu vực lên 1 tầm cao mới, hiệu quả hơn, thực tiễn hơn và đem lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp của các bên.
- Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng có kiến nghị, đề xuất gì tới Đại sứ các nước trong khu vực Trung Đông-châu Phi nhằm phát triển hơn nữa trong việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và nguồn nhân lực tới khu vực này?
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Tôi nghĩ rằng, nhằm tăng cường kết nối và phát huy quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Đông-châu Phi, Việt Nam nên thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến, diễn đàn kết nối các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các hiệp hội... để các bên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Bên cạnh đó, các bên cần tăng cường tuyên truyền nhằm tạo ra nguồn thông tin phong phú, đáng tin cậy về thị trường để từ đó nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về tiềm năng và cơ hội kinh doanh tại mỗi nước.
Chúng tôi đề nghị các nước Trung Đông hỗ trợ tài chính cho các chương trình hợp tác ba bên, Nam-Nam để Việt Nam tiếp tục cử chuyên gia sang thực hiện các dự án đảm bảo an ninh lương thực cho các nước châu Phi.
Các cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia Trung Đông-châu Phi cần hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu các mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh như: gạo, hạt tiêu, càphê, chè, hạt điều, rau quả, thủy sản...
Ngoài ra, mô hình hợp tác công tư (PPP) theo hình thức hợp tác ba bên giữa Trung Đông-Việt Nam-châu Phi để đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản tại một số nước châu Phi cũng nên sớm được thí điểm và ưu tiên cho các ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh như lúa gạo, cao su, càphê, hạt điều, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ rất lớn tại thị trường Trung Đông-châu Phi.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!