Gặp các nghệ sỹ hai lần biểu diễn Nhã nhạc Huế phục vụ Nhật hoàng

Người có vinh dự được 2 lần biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế cho Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là nghệ sỹ Trần Đình Phong và nghệ sỹ Lữ Hữu Ngọc.
Gặp các nghệ sỹ hai lần biểu diễn Nhã nhạc Huế phục vụ Nhật hoàng ảnh 1Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko nghe Nhã nhạc cung đình Huế tại Nhà hát Duyệt Thị Đường. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 4/3 sau khi đến Huế, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã đến thăm Đại Nội và xem biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế tại Nhà hát Duyệt Thị Đường.

Người có vinh dự được 2 lần biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế cho Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là nghệ sỹ Trần Đình Phong và nghệ sỹ Lữ Hữu Ngọc.

Các nghệ sỹ vẫn còn nguyên cảm giác vui sướng và vinh dự như từng biểu diễn cho Nhật hoàng xem tại Hoàng cung Nhật Bản, chỉ khác lần này là tại nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế.

Theo nghệ sỹ Lữ Hữu Ngọc, năm 2007, nghệ sỹ vinh dự sang Nhật Bản. Lần ấy, các nghệ sỹ của Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế được tháp tùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Đây là chuyến đi lịch sử đối với các nhạc công Nhã nhạc thuộc Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế. Sau buổi biểu diễn, Nhật hoàng đã đích thân bắt tay từng nhạc công và nói lời cám ơn.

"Đây là một vinh dự rất lớn đối với chúng tôi," nghệ sỹ nhớ lại.

Tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã giới thiệu với Nhà vua Akihito và Hoàng hậu một số nét văn hóa đặc sắc của Huế, cố đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Nhà vua Akihito và Hoàng hậu cùng thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế tại Nhà hát Duyệt Thị Đường. Đây là loại hình âm nhạc cung đình thời phong kiến nước ta, được biểu diễn vào các dịp lễ hội trong năm của các triều đại nhà Nguyễn.

Từ thế kỷ thứ 8, Nhã nhạc của Việt Nam đã được truyền bá sang Nhật Bản. Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.

[Photo] Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản nghe Nhã nhạc cung đình Huế

Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn trên 40 bài nhạc lễ, xây dựng nhiều tiết mục múa Cung đình đặc sắc như "Lục cúng hoa đăng," "Nữ tướng xuất quân," "Lân mẫu xuất Lân nhi," "Lục triệt hoa mã đăng"... các trích đoạn Tuồng Cung đình tiêu biểu trong vở Sơn hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Quần phương tập khánh... góp phần làm giàu thêm vốn Nhã nhạc cung đình Huế, thu hút du khách.

Duyệt Thị Đường được xây dựng năm 1826 dưới triều vua Minh Mạng. Đây là nhà hát của hoàng cung, nơi dành cho vua và những người trong hoàng tộc thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật cung đình và tuồng cổ. Đây còn là nơi trình diễn nghệ thuật chiêu đãi sứ thần các nước, nhằm giới thiệu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: Nhã nhạc, Múa cung đình và Tuồng cung đình.

Trải qua gần 200 năm, dưới sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và sự tàn phá của chiến tranh, nhà hát Duyệt Thị Đường đã gánh chịu nhiều hư hỏng nặng nề và đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Việc nhà hát được trùng tu, sửa chữa; hệ thống ghế dành cho các quan khách xưa kia phục chế và chính thức đi vào hoạt động, phục vụ du lịch...

Đáng chú ý, Nhật Bản tài trợ cho những hoạt động bảo tồn văn hóa phi vật thể xây dựng có thể kể tới như "Kế hoạch hoạt động cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy Nhã nhạc-Nhạc cung đình Việt Nam" và dự án "Hỗ trợ bảo tồn trực tiếp và công tác nghiên cứu đào tạo."

Cả hai dự án tài trợ này đều phục vụ cho việc bảo tồn âm nhạc cung đình Huế, nhất là đào tạo các nghệ nhân, nghệ sỹ cho tương lai. Dự án đã xây dựng những nền tảng vững chắc cho việc nghiên cứu, tư liệu hóa và truyền dạy các kỹ năng về Nhã nhạc cho thế hệ trẻ, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản này ở các cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế hết sức vui mừng vì trong chuyến thăm Việt Nam và Huế, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản chọn Cố đô Huế tiếp tục là nơi dừng chân. Có thể nói, cố đô Huế với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, là nơi giao thoa, hội tụ của nền văn hóa rất đặc sắc của Việt Nam. Đây cũng là nơi có giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Nhật Bản cũng là quốc gia tài trợ cho công tác trùng tu, bảo tồn hệ thống di tích Cố đô Huế kể từ năm 1990. Dự án quy mô đầu tiên mà Nhật Bản tài trợ cho Huế chính là dự án trùng tu Ngọ Môn, với tổng số tiền là 100.000 USD; cửa chính của Hoàng thành, công trình được xem là biểu tượng về Cố đô Huế. Thống kê đến thời điểm hiện tại, tổng kinh phí tài trợ từ phía Nhật Bản cho Huế khoảng hơn 4,6 triệu USD/10 triệu USD tổng kinh phí quốc tế đã tài trợ về văn hóa cho hệ thống di tích Cố đô Huế.

Tại Huế hiện còn rất nhiều di sản được bảo tồn như cung điện, lăng tẩm... của các vua, chúa triều Nguyễn, trong đó có nhiều di tích đã được trùng tu, bảo tồn với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản và các chuyên gia từ Đại học Waseda, Đại học Tokyo...

Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng có quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của Nhật Bản, như các cố đô Nara, Kyoto, thành phố Yokohama.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục