Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua những biến động tài chính nghiêm trọng kể từ nửa cuối năm 2013. Trong năm 2014 và 2015, những rắc rối tiếp tục tăng lên, nhất là đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp.
Trong năm 2014, 500 công ty công nghiệp lớn đã phải sử dụng hơn một nửa lợi nhuận hoạt động của họ cho chi phí tài chính (16 tỷ lira Thổ Nhĩ Kỳ).
Còn trong năm 2013, chi phí tài chính của các công ty công nghiệp chiếm gần một nửa lợi nhuận hoạt động thực tế của họ. Trên 500 công ty công nghiệp lớn trong năm 2013 đã đạt lợi nhuận hoạt động 36,5 tỷ lira nhưng họ đã mất 11 tỷ lira vào chi phí tài chính.
Mặc dù các doanh nghiệp này đã cố gắng để duy trì lợi nhuận trong các năm tiếp theo, song họ vẫn phải chia sẻ một phần đáng kể giá trị sản xuất cho vấn đề lãi suất và tỷ giá hối đoái.
Liên quan đến vấn đề nợ, tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ có các khoản nợ lên tới 256 tỷ lira. Phần lớn số vốn vay đó đến từ các ngân hàng và các khoản vay ngoại tệ bên ngoài.
Theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng thuộc Trung tâm rủi ro Thổ Nhĩ Kỳ, tính đến tháng Sáu, số tiền vay từ hệ thống ngân hàng đã lên tới 1.575 tỷ lira, trong đó khoản nợ xấu là 40 tỷ lira.
Hơn 30% của các khoản vay ngân hàng với tổng giá trị 1.600 tỷ lira là các khoản vay bằng ngoại tệ.
Năm 2015 khi tỷ giá hối đoái tăng vọt thì các khoản vay này trở thành một nguy cơ lớn đối với tương lai của các công ty. Chẳng hạn như các khoản vay ngoại tệ của khu vực tư nhân, không tính khu vực ngân hàng, vào khoảng 112 tỷ USD tính đến cuối tháng Ba. Nhưng khi tính toán với tỷ giá hối đoái mới (khoảng 3 lira = 1 USD), thì số tiền vay ước lên tới 336 tỷ lira.
Tỷ giá hối đoái và gánh nặng nợ sẽ tiếp tục gây áp lực đối với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng tới. Đặc biệt với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cộng với việc giới đầu tư nước ngoài tìm đến đồng bạc xanh làm nơi trú ẩn an toàn, tỷ giá giữa đồng USD và đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn được đẩy lên cao hơn, không chỉ dừng lại ở mức 3 lira/USD mà có thể còn cao hơn nữa./.