Theo trang mạng của Viện SWP (Đức), Ủy ban châu Âu đã tuyên bố rằng họ sẽ đệ trình "Hiệp ước về di cư và tị nạn" mới trong thời gian Đức giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu (bắt đầu từ ngày 1/6/2020 và kéo dài 6 tháng).
Dư luận hy vọng hiệp ước này sẽ cải cách lâu dài hệ thống tị nạn chung của châu Âu, củng cố biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu (EU) và thúc đẩy hợp tác trong chính sách di cư với các nước thứ ba.
Ngoài các ưu đãi tích cực, các biện pháp trừng phạt đối với các nước thứ ba không chịu hợp tác cũng đang được bàn tới.
Các biện pháp trừng phạt có thể có tác dụng trong ngắn hạn, song về lâu dài chúng dường như khó khả thi và sẽ làm tổn hại tới những mục tiêu chính trị dài hạn của châu Âu trong lĩnh vực ngoại giao và phát triển.
Vì thế, trong nhiệm kỳ của mình, Đức nên ủng hộ các công cụ chính sách di cư có mục tiêu bền vững, cân bằng lợi ích của EU với các nước thứ ba.
[Thủ tướng Đức kêu gọi hợp tác và gắn kết trên toàn châu Âu]
Trong hơn 20 năm qua, EU đã phát triển một chính sách chung trong các vấn đề biên giới, tị nạn và di cư. Ủy ban châu Âu có thể đại diện các quốc gia thành viên đàm phán với các nước thứ ba về việc trục xuất những trường hợp bị từ chối tị nạn hay di cư không hợp lệ.
Để làm được điều đó, họ đã ký 18 thỏa thuận.Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, tỷ lệ trở về tính trong cả EU đã giảm, và theo Eurostat, vào năm 2019 chỉ ở mức 32%. Chỉ khoảng 1/3 người bị trục xuất trở về quốc gia gốc của họ. Rất có thể Ủy ban châu Âu muốn đề xuất tăng tỉ lệ trở về thông qua "Hiệp ước về di cư và tị nạn."
Vào cuối những năm 2000, Ủy ban châu Âu đã đưa ra điều kiện trong chính sách nhập cư bên ngoài của mình. Trước tiên là với các nước láng giềng phía Đông và Nam, họ đàm phán thành lập cái gọi là Quan hệ đối tác dịch chuyển.
Với những quy trình đàm phán này, họ muốn cải thiện sự hợp tác của các nước láng giềng trong việc nhận lại những người di cư bị trục xuất hay những trường hợp di cư không hợp lệ, bằng cách hứa đơn giản hóa thủ tục visa.
Tuy nhiên, nó gần như chỉ thành công với các nước phía Đông. Năm 2016, với khuôn khổ hợp tác nhập cư mới, EU đã đàm phán thành công với 5 nước châu Phi (đóng vai trò là nguồn nhập cư), gồm Niger, Nigeria, Senegna, Mali và Ethiopia.
Sự khích lệ dưới dạng đơn giản hóa thủ tục visa đã bị hủy bỏ. Các quốc gia này được khích lệ bằng tài chính từ quỹ ủy thác khẩn cấp của EU cho các nước châu Phi (EUTF) để có được sự hợp tác của họ trong việc nhận lại công dân của mình.
Thêm vào đó, trong những năm vừa qua, ngày càng có thêm nhiều thỏa thuận được ký kết để tiếp nhận lại chính thức và không ràng buộc về pháp lý.
Bên cạnh những khích lệ tích cực, EU cũng thực hiện những biện pháp trừng phạt tiêu cực một cách mạnh mẽ hơn, gồm:
Giảm hợp tác phát triển
Biện pháp này có khiến cho các nước đối tác sẵn sàng tiếp nhận lại người di cư hay không phụ thuộc vào từng hoàn cảnh khác nhau.
Ủy ban châu Âu từng cảnh cáo Ethiopia về quy trình tiếp nhận lại không mang tính pháp lý vào đầu năm 2018, khi EU làm chậm lại hoạt động phân phối tài chính từ EUTF.
Kết quả là tỷ lệ tiếp nhận tăng từ 8% năm 2017 lên 17% năm 2019. Kể cả Afghanistan cũng đồng ý với tuyên bố "Con đường mới để tiến lên" nhằm có được sự hợp tác tốt hơn với EU vào năm 2016.
Sự đe dọa giảm hỗ trợ tài chính âm thầm của EU đã mang lại kết quả khả quan. Mặc dù vậy, biện pháp này của EU vẫn đặt ra những câu hỏi về tính hiệu quả, lâu dài và đúng đắn của nó.
Năm 2017, số người trở về Ethiopia là 205 người, còn năm 2019, con số này là 240 người.
Tuy nhiên, con số trở về Afghanistan sau khi tăng một chút đã giảm trở lại và vào năm 2019 chỉ còn ở mức 8% (2370 người trở về).
Việc trục xuất người di cư về Afghanistan bị chỉ trích rất nhiều bởi tình hình an ninh tại đây rất kém.
Trong trường hợp thiếu hỗ trợ tài chính, một quốc gia có thể trở nên bất ổn hơn nữa, và nó sẽ làm đổ vỡ lợi ích an ninh cũng như chính sách phát triển của EU.
Hạn chế visa
Năm 2017, Ủy ban gồm các đại diện thường trực của các quốc gia thành viên đã tạo ra một cơ chế không chính thức để trừng phạt các nước thứ ba không hợp tác trong việc tiếp nhận công dân bị trục xuất.
Tháng 2/2020, việc sửa đổi Bộ luật Visa Schengen đã tạo cho nó một cơ sở pháp lý mới.
Bộ luật mới quy định rằng công dân của một quốc gia, theo quan điểm của Ủy ban châu Âu, không hợp tác đầy đủ với EU phải chấp nhận thời gian xử lý thị thực dài hơn và lệ phí cao hơn.
Cho tới nay vẫn không rõ "sự hợp tác đầy đủ" là như thế nào. Vẫn còn những nghi ngờ về tính hiệu quả của một chính sách visa nghiêm khắc hơn.
Đúng là biện pháp hạn chế visa đã giúp đàm phán tái tiếp nhận người di cư với Bangladesh (năm 2017), Cote d'Ivoire (năm 2018) thành công, song tỷ lệ trở về vẫn không tăng lên: Cote d'Ivoire vẫn giữ nguyên, Bangladesh thậm chí còn giảm từ 17% (năm 2017) xuống 11% (năm 2019). Chính sách visa vì thế dường như không hiệu quả.
Trừng phạt trong những lĩnh vực chính sách khác
Trong những năm qua, Ủy ban châu Âu luôn tuyên bố rằng về cơ bản họ sẽ sử dụng mọi lĩnh vực chính sách để đạt được các mục tiêu trong chính sách di cư, chẳng hạn như vấn đề đi lại, năng lượng, an ninh và chính sách số.
Theo chiến lược thương mại của EU, sức mạnh tổng hợp của chính sách thương mại và di cư sẽ được tăng cường.
Tuy nhiên, cho đến nay, các khía cạnh của chính sách hoàn trả vẫn chưa được đưa vào các cuộc đàm phán của EU với các nước thứ ba.
Có thể hình dung rằng áp lực đối với Ủy ban châu Âu - chịu trách nhiệm về các hiệp định thương mại - sẽ tiếp tục gia tăng. Điều này có thể đòi hỏi phải bao gồm các điều khoản có điều kiện trong các thỏa thuận liên kết các ưu đãi thương mại với hợp tác về các chính sách tiếp nhận.
Cách tiếp cận như vậy không chỉ mâu thuẫn với nguyên tắc đối xử bình đẳng của Tổ chức Thương mại Thế giới, mà còn kéo theo những bất lợi chiến lược.
Các biện pháp như vậy có thể làm suy yếu các nỗ lực quan trọng, chẳng hạn như các mối quan hệ thương mại tăng cường và việc định hướng lại chiến lược EU-châu Phi và đối thoại trên cơ sở bình đẳng với các đối tác châu Phi. Và điều đó sẽ củng cố ảnh hưởng của Trung Quốc đối với châu lục này.
Thay vì tiếp tục theo đuổi các biện pháp tiêu cực, Đức - trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng châu Âu - nên có cách tiếp cận mạch lạc, ủng hộ việc hợp tác toàn diện về chính sách di cư dựa trên sự trao đổi lợi ích lâu dài và công bằng với các nước thứ ba.
Một điều không thể thiếu là tăng cường giám sát một cách dân chủ đối với chính sách di cư bên ngoài thông qua Nghị viện châu Âu để đảm bảo sự minh bạch cũng như tuân thủ các quy tắc về quyền con người./.