Gánh nặng gia tăng lên ngành gia công hàng dệt may Campuchia

Gần 1/4 công nhân dệt may Campuchia đã phải tạm nghỉ việc kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và sau khi Liên minh châu Âu gỡ bỏ một phần ưu đãi thương mại “Tất cả trừ vũ khí” (EBA) với Campuchia.
Công nhân làm việc trong một dây chuyền may mặc tại Campuchia. (Nguồn: khmertimeskh.com)

Động thái mang tính chính trị của Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhằm đột ngột tăng mức lương tối thiểu cho các công nhân dệt may và da giày có thể gây ảnh hưởng bất lợi lên các ngành công nghiệp trọng yếu, vốn chiếm đến 2/3 giá trị xuất khẩu của quốc gia này.

Bài viết trên trang asiatimes.com hôm 17/9 đã phân tích về những hậu quả tức thì đối với hệ thống các nhà máy gia công hướng về xuất khẩu của Campuchia vào thời điểm kinh tế đầy khó khăn.

Động thái xoa dịu

Gần 1/4 công nhân dệt may Campuchia đã phải tạm nghỉ việc kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và sau khi Liên minh châu Âu (EU) gỡ bỏ một phần ưu đãi thương mại “Tất cả trừ vũ khí” (EBA) với Campuchia.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia Campuchia, cơ quan ba bên bao gồm đại diện của chính phủ, các công đoàn và giới chủ lao động, vẫn gặp nhau hàng năm để thảo luận về việc tăng lương tối thiểu song họ đã không đạt được thỏa thuận cho lương cơ bản trong năm 2021 sau nhiều tuần tranh cãi.

[Ngành lúa gạo và dệt may của Campuchia đối phó với COVID-19]

Tuy nhiên, theo sắc lệnh hành chính được công bố vào trung tuần tháng 9/2020, mức lương tối thiểu tại các nhà máy dệt may và da giày Campuchia sẽ tăng khoảng 2 USD, lên mức 192 USD/tháng kể từ ngày 1/1/2021.

Ngay lập tức, các nhóm chủ sử dụng lao động, vốn đã tranh luận nhằm giảm lương vào năm tới, cho rằng động thái này sẽ tạo thêm gánh nặng đối với lĩnh vực dệt may, thậm chí khiến lĩnh vực này kém cạnh tranh hơn và gây cảnh trở quá trình hồi phục kinh tế giữa lúc cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Nam Á đang ngày một trầm trọng do đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, phần lớn các ngành công nghiệp tại Campuchia đều không đặt ra mức lương tối thiểu, nhưng lương của công nhân dệt may lại có xu hướng tăng cao nhất.

Thậm chí, đại diện các công đoàn Campuchia tham gia cuộc thảo luận năm nay đã đề xuất mức tăng lương thêm 11,59 USD cho năm 2021, mà họ cho là cần thiết vì mức giá cả sinh hoạt tại Campuchia đang tăng cao chưa từng thấy.

Trong khi đó, các nhóm chủ lao động, vốn tìm cách trì hoãn thời điểm mức tăng này một năm, lại đề nghị cắt giảm 17 USD.

Trong dư luận Campuchia, đã có những báo cáo đầy mâu thuẫn khiến Thủ tướng Hun Sen phải can thiệp. Đã có giả thiết cho rằng vì Hội đồng Tiền lương Quốc gia đơn giản là không thể thống nhất về một con số nên quyết định này được chuyển về phía chính phủ nhằm dàn xếp sự bế tắc.

Trong các năm 2014, 2015 và 2018, ông Hun Sen đã lần lượt tăng thêm vài USD trong mức lương tối thiểu mà các Bộ trưởng của ông đã nhất trí trước đó.

Trong khi các công đoàn và nhóm doanh nghiệp đã ngầm chấp nhận quyết định của nhà lãnh đạo Campuchia đầy quyền lực, không một bên nào thật sự hài lòng với kết quả dường như chỉ khiến cho chính phủ hưởng lợi.

Biện pháp dân túy

Ông Hun Sen được cho là rất cố gắng duy trì sự yên ổn tương đối tại một quốc gia đang ngày càng có nhiều cuộc biểu tình của thanh niên trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau vụ bắt giữ một thủ lĩnh công đoàn Rong Chhun vào tháng 7/2020.

Trong bối cảnh đó, việc xoa dịu công nhân dệt may, thậm chí dù bằng một mức tăng lương hạn chế, chính là mặt trái của việc chính phủ muốn “xoa dịu” những cuộc biểu tình mới nhất.

Đó chính là biện pháp dân túy của ông Hun Sen, người từ vài năm qua rất kiên trì tranh thủ sự ủng hộ của công nhân dệt may - lực lượng trong quá khứ từng bỏ phiếu cho Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), đảng đối lập lớn nhất tại Campuchia cho đến khi bị buộc giải thể vào cuối năm 2017.

Một lời hứa tăng lương tối thiểu chính là chìa khóa thành công cho chiến dịch vận động của CNRP trước cuộc tổng tuyển cử năm 2013, giúp họ giành tới 44% phiếu bầu. Ngay sau đó, chính sách này đã được Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền sử dụng như là cách để "lấy lòng" một bộ phận cử tri này.

Lương tối thiểu cho công nhân dệt may tăng từ 80 USD/tháng trong năm 2013 lên 190 USD/tháng ngay trong năm đó. Lạm phát cơ bản tại Campuchia đã tăng tới 3,2% trong tháng 6/2020, trong khi chỉ số giá tiêu dùng đạt mức cao kỷ lục trong vòng 5 năm.

Chi phí sinh hoạt đã tăng đáng kể trong vòng 5 năm qua tại Campuchia. Giá thực phẩm như cá tươi trong tháng 6/2020 tăng 11,4% so với tháng 6/2019.

Thành phố đắt đỏ thứ sáu Đông Nam Á

Thủ đô Phnom Penh giờ đứng thứ sáu trong số những thành phố đắt đỏ nhất Đông Nam Á, theo Bảng Chỉ số giá cả sinh hoạt hiện nay.

Bảng thống kê này ước tính khoảng 1/5 số người Campuchia sống phụ thuộc vào những đồng lương kiếm được trong khu vực dệt may, trong khi các công nhân phải gửi phần lớn thu nhập của họ về quê nhà để nuôi gia đình ở các khu vực nông thôn.

Theo nhiều nhà phân tích, mức giảm thu nhập đáng kể của khu vực này trong mùa đại dịch COVID-19 đã góp phần gia tăng tỷ lệ đói nghèo ở các khu vực nông thôn.

Thống kê của Chính phủ Campuchia cho thấy trong nửa đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước này giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Một con số chính thức có thể khiến nhiều người hoài nghi nếu xem xét tới những tổn thất nhất định từ việc EU rút bớt ưu đãi thương mại.

Báo cáo của Chính phủ Campuchia quả quyết rằng chỉ khoảng 50.000 việc làm bị tác động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.

Nhưng Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Campuchia (GMAC), cơ quan đại diện chính thức của ngành công nghiệp này, đưa ra con số 150.000 người mất việc làm, so với tổng số 700.000 công nhân làm việc trước khi đại dịch bùng phát.

Hồi tháng 2/2020, Thủ tướng Hun Sen hứa hẹn rằng những công nhân buộc phải nghỉ việc sẽ nhận được 60% lương tối thiểu, tương đương 114 USD/tháng, với phần lớn khoản tiền này do nhà nước hỗ trợ và phần còn lại do chủ lao động chi trả.

Xe chở người lao động trên một đường phố ở Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, hai tháng sau đó, nhà lãnh đạo này giảm con số này xuống còn 70 USD/tháng. Hiện chưa rõ liệu Phnom Penh có chịu nhượng bộ các đòi hỏi của chủ lao động hay không, hoặc nhiều khả năng Chính phủ Campuchia nhận ra rằng họ không có đủ ngân sách để chi trả khoản lương này trong trung hạn hoặc dài hạn.

Phần lớn trong các năm qua, các nhóm chủ doanh nghiệp chỉ bước vào cuộc đàm phán lương tối thiểu với mục tiêu giữ mức tăng càng thấp càng tốt. Tuy nhiên, hiếm khi họ đòi cắt giảm lương tối thiểu như đã từng làm trong năm nay.

Các chủ nhà máy dệt may đã chắc chắn rằng lương tối thiểu chỉ là một thứ tin tức sai lệch. bởi hầu hết các công nhân đều lĩnh mức lương cơ bản. Chủ doanh nghiệp phải trả lương làm ngoài giờ hàng tháng, tiền trợ cấp nhà ở 7 USD, phụ cấp đi làm đầy đủ, và trả lương thâm niên cho những nhân viên cống hiến lâu năm.

Ai cũng biết rằng với những khoản thưởng này, các chủ lao động trung bình đã tốn thêm 15 USD/tháng cho mỗi công nhân.

Nếu bị “rút ống thở”?

Phnom Penh đã tạo thêm một tín hiệu tích cực từ việc tăng lương tối thiểu. Bộ trưởng Lao động Campuchia Ith Sam Heng phát biểu với báo chí địa phương: “Mức tăng này cũng là thông điệp nhằm thu hút thêm đầu tư và mở các nhà máy mới tại Campuchia.”

Tuy nhiên, thật khó để đánh giá động thái tăng chi phí này có cần thiết để thu hút các nhà đầu tư mới hay không? Thực tế, để khu vực dệt may hồi phục về gần mức trước khi xảy ra đại dịch, họ cần sự đầu tư đáng kể trong những năm tới, trong đó phần lớn đến từ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài.

Có một sự thật là một số trong các nhà máy dệt may tại Campuchia còn tồn tại đến lúc này, nhưng sẽ sụp đổ ngay khi bị nhà nước “rút ống thở” hỗ trợ tài chính.

Những nhà máy khác sẽ cần phải tăng vốn hoạt động để chi trả cho việc vận hành hạ tầng và lương bổng bởi thu nhập từ nguồn hàng xuất khẩu hiếm khi nào được trả ngay.

Theo thông tin hồi tháng 8/2020 từ tạp chí Southeast Asia Globe, một cuộc khảo sát gần đây của GMAC cho thấy rằng chỉ 35% các nhà máy có đủ đơn hàng sản xuất cho đến cuối năm nay, trong khi 25% báo cáo không còn đơn hàng nào cho tới cuối năm 2020.

Để tăng mức đầu tư cần thiết, khu vực dệt may Campuchia cần chứng tỏ khả năng cạnh tranh với những đối thủ phát triển hơn và là những nhà sản xuất có trình độ cao hơn như Thái Lan và Việt Nam.

Không chỉ đại dịch làm giảm đáng kể các đơn hàng dệt may Campuchia từ phương Tây, quốc gia này còn chịu nhiều thiệt thòi từ việc bị hủy bỏ các ưu đãi thương mại tại EU - thị trường xuất khẩu truyền thống lớn nhất của họ. Hồi năm ngoái, EU mua phần lớn hàng dệt may xuất khẩu của Campuchia.

Lương cao, năng suất kém

Giám đốc Trung tâm Quản lý, Sáng tạo và Dân chủ thuộc Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) có trụ sở tại Phnom Penh ông Kimlong Chheng cho rằng tổng thiệt hại của việc EU hủy bỏ một phần ưu đãi EBA với nền kinh tế Campuchia có thể lên đến 650 triệu USD/năm.

Nếu tính chỉ 1/5 các ưu đãi thương mại theo chương trình EBA bị cắt giảm, phí tổn sẽ là khoảng 130 triệu USD/năm. Phần lớn số thiệt hại này phụ thuộc vào việc liệu các chủ nhà máy dệt may có đứng ra gánh các phí thuế bổ sung từ bằng cách cắt giảm lợi nhuận của họ, hoặc liệu họ có thay đổi chi phí vào khách hàng bằng cách tăng giá, khiến sản phẩm dệt may Campuchia kém sức cạnh tranh hay không?

Giờ đây, những chủ nhà máy này lại phải tìm kiếm thêm nguồn vốn cho việc tăng lương. Nếu khu vực dệt may Campuchia hồi phục trong năm tới, lương tối thiểu tăng sẽ làm chủ lao động tốn thêm khoảng 1,5 triệu USD/tháng, hoặc tương đương 18 triệu USD/năm.

Từ nhiều năm qua, các nhà phân tích và những nhân vật quản trị nội bộ trong ngành công nghiệp dệt may đã cảnh báo rằng khu vực này của Campuchia đang mất dần sức cạnh tranh so với các nước láng giềng.

Trong khi đó, mức lương tối thiểu của công nhân dệt may Campuchia lại cao hơn những nước láng giềng có năng suất lao động tốt. Lương công nhân dệt may Thái Lan hiện là khoảng 191 USD/tháng, so với Campuchia là 192 USD kể từ năm 2021. Tại Lào, lương tối thiểu chỉ là 88 USD/tháng.

Thêm một lý do khiến khả năng cạnh tranh của Campuchia ngày càng mờ nhạt là tính khó đoán định về mặt chính trị.

Trong gần hai năm nay, các chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư luôn phải đau đầu suy tính liệu chính phủ của Thủ tướng Hun Sen có nới lỏng “cánh tay chính trị” để duy trì lợi ích kinh tế với EU hay không?

Tuy nhiên, ông đã không làm vậy và giờ các chủ doanh nghiệp cùng giới công nhân sẽ phải gánh chịu thêm các phí tổn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục