Mặc dù doanh thu xuất khẩu gạo vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chi phí leo thang đã khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo niêm yết trong sáu tháng đầu năm nay bị “co hẹp” lại.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR) vừa công bố, trong sáu tháng đầu năm nay, doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt 1.229 tỷ đồng, giảm hơn 21% so với cùng kỳ.
Các khoản chi phí hoạt động trong sáu tháng đầu năm 2021 đều tăng hơn so với cùng kỳ ngoái. Cụ thể, phí lãi vay tăng nhẹ 2%; chi phí bán hàng tăng 91%; chi phí quản lý tăng 18%... Điều này đã khiến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh tới 67,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 21 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, sở dĩ các khoản chi phí hoạt động trong sáu tháng đầu năm nay tăng mạnh chủ yếu là do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Một số công ty, nhà máy rơi vào tình trạng ngừng sản xuất, đóng cửa tạm thời…, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí bán hàng. Đơn cử, trong số đó là cước vận chuyển quốc tế tăng gấp 2,3 lần đối với các thị trường châu Á và gấp 3 lần đối với thị trường châu Âu.
Bên cạnh đó, để tạo tâm lý an tâm sản xuất cho người lao động, Trung An đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động như hỗ trợ lương, mua trang thiết bị bảo hộ lao động phòng chống lây nhiễm, hỗ trợ suất ăn… Điều này làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp lên so với cùng kỳ.
Dù tất cả các khoản chi phí đầu vào đều tăng đáng kể, nhưng công ty không tăng giá bán để thực hiện chương trình bình ổn giá. Lợi nhuận của doanh nghiệp dự kiến tiếp tục bị “bào mòn” trong quý 3 khi các chi phí trên khó có thể điều chỉnh giảm, do công ty đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ."
[Xuất khẩu gạo kỳ vọng những tín hiệu tốt khi dịch được kiểm soát]
Trong năm 2021, Trung An đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng và 105 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 29% và hơn 25% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, công ty mới thực hiện được 35% chỉ tiêu doanh thu và 20% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) mới công bố cũng cho thấy, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng bị “bào mòn” đáng kể do nhiều chi phí đồng loạt gia tăng.
Trong quý 2, doanh thu thuần của Tập đoàn Lộc Trời tăng mạnh tới 86% so với cùng kỳ, đạt 2.725 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu thuần mảng lương thực của Lộc Trời ghi nhận kết quả quý cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, đạt 1.780 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do chi phí giá vốn cũng tăng cao hơn, cộng thêm các khoản chi phí khác đều gia tăng như chi phí lãi vay tăng gần 90%, chi phí bán hàng tăng 20%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 17%... đã khiến lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn này chỉ còn 45,5 tỷ đồng trong quý 2, giảm tới gần 70% so cùng kỳ năm trước.
Lũy kế sáu tháng, doanh thu của Lộc Trời đạt 5.196 tỷ đồng, tăng 131% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 227 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 57% kế hoạch lợi nhuận trong năm 2021.
Dù lợi nhuận lũy kế sáu tháng vẫn tăng mạnh, tuy nhiên theo nhận định của ban lãnh đạo, hoạt động sản xuất kinh doanh của Lộc Trời vẫn còn rất nhiều thách thức, do ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 lần 4 và việc thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng đến đợt bán hàng gần đây.
Kể từ ngày 12/7 đến nay, 14 nhà máy của tập đoàn này tại An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh phải thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” để đảm bảo công tác phòng chống dịch, với hơn 500 nhân viên, người lao động tự nguyện ở lại tại nhà máy. Phương án sản xuất này dự kiến sẽ làm tăng chi phí quản lý của Tập đoàn hơn rất nhiều. Chưa kể, dịch COVID-19 diễn ra phức tạp đang gây ảnh hưởng ảnh hưởng đến chuỗi logistics ngành lương thực, từ đó việc bán hàng được dự báo sẽ bị chậm hơn so kế hoạch đề ra.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (mã: NSC) kết quả kinh doanh cũng diễn ra tương tự. Dù doanh thu thuần tăng 18% trong quý 2, đạt 532 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí lãi vay tăng hơn 70%, chi phí bán hàng tăng hơn 36% và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 19% đã khiến lợi nhuận trong kỳ của Tập đoàn giảm hơn 17%, chỉ còn 65 tỷ đồng.
Không chỉ ba doanh nghiệp trên, khảo sát tại một số công ty niêm yết trong ngành chế biến xuất khẩu lương thực cho thấy, phần chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều bị đội lên đáng kể từ quý 2/2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tình trạng này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong quý 3/2021 khi dịch bệnh hiện vẫn chưa được kiểm soát, cộng thêm nhiều chi phí khác phát sinh trong quá trình doanh nghiệp duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ."
Lợi thế của doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nửa cuối năm 2021 là nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước dự kiến vẫn tiếp tục tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong thời gian tới, triển vọng nhu cầu thị trường vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ, bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn giá gạo từ hai nhà cung cấp này. Mặt khác, do phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch nên việc thu mua, chế biến, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn.
Các doanh nghiệp kỳ vọng những khó khăn nhất thời này sẽ sớm được giải quyết khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Việc lưu thông, vận chuyển khi đó sẽ được dễ dàng, giảm áp lực chi phí lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hơn.
Để đảm bảo kế hoạch kinh doanh đã đề ra, các doanh nghiệp cho biết, sẽ tiếp tục tìm kiếm khách hàng và thị trường mới; đồng thời chăm sóc khách hàng hiện hữu, tối ưu hóa chi phí để có những bước tiến hơn hiệu quả hơn trong các quý còn lại trong năm và bám sát kế hoạch doanh thu, lợi nhuận sau thuế mà đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 đã đề ra./.